Bà mẹ một mình đùm bọc nuôi con nhưng càng lớn con càng thù hằn: Nguyên do khiến ai cũng chết lặng
Những câu nói sát thương của bà mẹ này đã vô tình hủy hoại hạnh phúc gia đình.
Cô Lý Bảo Hoa (Trung Quốc) từng có một gia đình hạnh phúc. Chồng cô là quản lý cấp cao cho một công ty xây dựng lớn; con trai cô ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Nhưng Bảo Hoa luôn không hài lòng về các thành viên. Hễ có chuyện gì xảy ra, dù là vấn đề rất nhỏ thì cô cũng mắng mỏ, quát tháo chồng con không ngớt.
Trong một lần chuyển nhà đến căn hộ cao cấp sinh sống, Bảo Hoa đã gây ra một việc nghiêm trọng khiến cô cả đời sống trong ân hận, day dứt. Hôm chuyển nhà, có 5 nhân viên bên phía công ty dịch vụ đến vận chuyển đồ. Đến giờ nghỉ giải lao, chồng Bảo Hoa đã mời họ hút thuốc lá, ăn bánh ngọt, trái cây để lấy sức làm tiếp.
Bảo Hoa cho rằng chồng sĩ diện, gây lãng phí tiền bạc của gia đình bởi tiền công của họ sẽ được thanh toán vào cuối ngày. Ngay lập tức, cô "mặt nặng mày nhẹ", nói những lời mỉa mai, thiếu tôn trọng chồng. Hai vợ chồng lớn tiếng cãi vã, Bảo Hoa còn lao vào đánh chồng.
Vụ việc xảy ra khiến những người chứng kiến đều ngỡ ngàng. Chồng Bảo Hoa là quản lý cấp cao lại bị nhiều người nhìn thấy cảnh tượng này nên vô cùng xấu hổ. Sau đó, anh ấy đã đệ đơn ly hôn vợ với lý do bị hành hạ tâm lý suốt một thời gian dài. Về sau, chồng Bảo Hoa tự tử bằng cách nhảy xuống sông. Anh ấy cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa khi mọi chuyện vỡ lở.
Không còn chồng gánh vác kinh tế, Bảo Hoa phải xoay sở một mình để nuôi con trai và mẹ chồng sống qua ngày. Công việc rất vất vả, cô thường xuyên về nhà vào đêm muộn. Nhưng sau khi nuôi nấng con trai trưởng thành, người con không biết ơn công lao của mẹ mà còn xa lánh, tỏ thái độ chán ghét mẹ. Cậu con trai không ngừng trách móc mẹ bởi đã gián tiếp gây ra cái chết cho cha mình. Nếu năm xưa mẹ không nặng lời, có lẽ gia đình không lâm vào cảnh ly tán.
Trên thực tế, Lý Bảo Hoa là một người vợ, người mẹ hết lòng vì gia đình. Cô ấy làm nhiều việc nặng nhọc để kiếm tiền, giàu đức tính hy sinh, luôn vun vén cho tổ ấm. Nhưng do Bảo Hoa không biết cách kiềm chế cảm xúc, giữ uất ức trong lòng rồi dồn vào người khác mới dẫn đến sự việc đau lòng trên.
3 cách kiềm chế cơn nóng giận khi giao tiếp với con cái cực hiệu quả
Bàn về cách kiềm chế nóng giận, Trần Mỹ Linh, từng là ca sĩ nổi tiếng tại Hồng Kông và cũng là một bà mẹ nuôi dạy 3 người con trai trở thành sinh viên trường ĐH danh tiếng Stanford dã có những chia sẻ thấm thía. Cô cho biết kinh nghiệm giáo dục của mình là cố gắng giữ bình tĩnh, giao tiếp nhẹ nhàng và không dùng vũ lực với con.
"Bà mẹ Stanford" tâm sự: "Có lần, con trai lớn không đạt kết quả tốt trong kỳ thi nên đã nói dối điểm số. Tôi nhận ra đây là sự việc nghiêm trọng nhưng không tức giận mà chỉ nhẹ nhàng trò chuyện với con. Tôi nói rằng dù điểm số như thế nào thì con cũng không được nói dối, mẹ sẽ không mắng khi bị điểm kém bởi chúng ta có thể cải thiện được. Việc trò chuyện chân thành và nhẫn nại đã khiến con trở nên cởi mở hơn. Từ đó đến nay, con trai tôi không bao giờ giấu giếm điều gì với mẹ".
- Cố gắng kiềm chế cảm xúc: Mỗi khi nổi giận, muốn la mắng hay đánh con, mẹ hãy hít thở thật sâu đến khi cảm thấy bình tĩnh trở lại. Sau đó mới bắt đầu dạy dỗ con bằng cách nói chuyện, hướng dẫn con tìm ra lỗi sai. Cách thứ hai là khi cảm thấy cơn giận đang cuộn trào, mẹ hãy đi chỗ khác, tránh xa con.
- Hãy nhớ con là một đứa trẻ, không phải người trưởng thành: Qua một ngày làm việc vất vả, nhiều bà mẹ không giữ được bình tĩnh khi thấy con bày bừa hay không chịu học bài. Tuy nhiên, mẹ cần nhớ rằng, con còn nhỏ nên không thể bắt con hành xử như một người lớn. Thay vì quát mắng, hãy thử thương lượng với con rằng: "Hôm nay mẹ rất mệt, con có thể giúp mẹ dọn dẹp không?".
- Chia sẻ áp lực với người thân, bạn bè: Đôi khi trong cuộc sống, phụ nữ là người chủ đạo chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Điều này khiến người làm mẹ chịu áp lực lớn từ 2 bên nội ngoại và từ chính bản thân mình, dẫn đến nổi nóng, bực tức. Thay vì chịu đựng một mình, người phụ nữ nên chia sẻ với chồng, người thân hoặc bạn bè để nhận được lời khuyên tích cực.
Bố mẹ bao bọc biến tôi thành một chú “gà công nghiệp” rồi thả ra xã hội
Đến bây giờ, khi tốt nghiệp đại học ra trường tôi mới nhận ra chính việc giáo dục con cái theo kiểu ủ trong “lồng kính”, mục tiêu duy nhất là những tấm huy chương của bố mẹ đã vô tình biến tôi thành “gà công nghiệp”.
Theo phapluat.suckhoedoisong.vn