Ba lý do khiến nhiều người ăn hải sản bị ngộ độc
Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, ngộ độc cá biển hay một số loại hải sản khác khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do cá biển bị phơi nhiễm độc tố từ môi trường.
Thứ nhất, các nhóm độc tố như Ciduatoxin (CTX) có tính bền nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng. Chất độc này có nguồn gốc từ vi tảo, bám trên các loài tảo lớn hay rong biển khu vực rạn san hô. Các loài cá ăn thực vật làm tích lũy chất độc này trong cơ thể.
Ngoài ra, do chuỗi thức ăn của biển (cá lớn ăn cá bé) nên các loại cá to thường chứa nhiều độc tố hơn. Cá loại cá có nguy cơ nhễm độc tố CTX như cá hồng, cá mú, cá ngừ, cá chình.
Thứ hai, cá biển cũng có sẵn độc tố trong cơ thể chúng. Các chất độc này có thể ở gai cá, vây lưng, vây bụng, ngực như cá mó, chất độc ở cơ quan sinh dục cá như cá nóc, cá mòi, cá bẹ, cá trích, cá chình. Chất độc tồn tại trong trứng cá như cá nóc, cá nhám. Chất độc này rất bền với nhiệt độ và các hóa chất khác và có khả năg lưu thông trong máu của cá.
Thứ ba, cá biển được ủ đá lâu ngày trước khi tiêu thụ, có thể dẫn đến tình huống cá chết lẫn vào cá còn sống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Một số loại cá ươn nguy hiểm như cá ngừ. Vi khuẩn xâm nhập sinh ra Decarboxylase chuyển hóa Histidine thành histamine trong thịt, mang, ruột cá. Histamine trong hải sản gây ngộ độc từ 4 giờ sau ăn, dấu hiệu như đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, nguy cơ hải sản do bị ướp tẩm hóa chất bảo quản thực phẩm như urê, hàn the cũng có thể xảy ra. Ngộ độc hóa chất thường có biểu hiện chậm hơn, ngộ độc mạn tính.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc sau khi ăn các loại hải sản ở rạn san hô như cá chình, cá hồng, cá mòi.
Bác sĩ Nguyên cho biết ngộ độc do độc tố ciduatoxin rất nguy hiểm. Người bệnh có biểu hiện loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp, đường tiêu hóa là tê, ngứa ran ở tứ chi và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, có thể bị liệt. Thậm chí có trường hợp trầm cảm, mất trí nhớ. Độc tố ciduatoxin ít gây tử vong hơn nhưng một số trường hợp người già, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch vẫn tử vong do suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
Để hạn chế ngộ độc, bạn cần xác định rõ loại cá, nguồn gốc trước khi ăn, không ăn cá đã ươn. Khi chế biến, người dân cần bỏ ruột, mang và các bộ phận có thể chứa độc tố. Những loại cá sống ở vùng rạn san hô như cá hồng, cá mú, cá ngừ, cá chình biển không nên ăn nhiều.
Nếu có các dấu hiệu ngộ độc như tê lưỡi, tê môi, đau nhức cơ, đau bụng, khó thở, nổi mẩn, người bệnh cần theo dõi. Trường hợp nặng nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm cá biển, bác sĩ Sầm cho biết nên thực hiện các biện pháp gây nôn, sau đó có thể uống một vài nước thảo dược như nước lá dứa, gừng trắng, nước tía tô, than hoạt tính, và đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu.
Phương Anh