Ba Lan và Mỹ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng thế kỷ
RIA đưa tin, Washington và Warsaw đã ký một thỏa thuận về hợp tác quân sự và sẽ tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này.
Cụ thể, hôm 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với các quan chức Ba Lan, mở đường cho việc tái triển khai quân đội Mỹ từ Đức sang Ba Lan.
Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã ký một thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng nâng cao, quy định pháp lý cho sự hiện diện bổ sung của quân đội Mỹ tại Ba Lan.
Văn kiện nối tiếp tuyên bố mà Tổng thống Andrzej Duda và Tổng thống Donald Trump đã ký năm ngoái tại Washington. Đặc biệt, văn kiện nói về gia tăng số lượng quân nhân Mỹ lên 1.000 người, cũng như chuyển ban chỉ huy Quân đoàn 5 của Lực lượng Mặt đất Mỹ sang nước này. Hiện có gần 5.000 lính Mỹ đang đóng quân tại Ba Lan.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng sẽ là sự đảm bảo tốt hơn trước các mối đe dọa an ninh ở trong khu vực châu Âu. (Ảnh: US Army Europe) |
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Andrzej Duda cho biết, hợp tác quân sự giữa Ba Lan và Mỹ có nghĩa là tăng cường an ninh cho khu vực châu Âu, đặc biệt là đối với các nước Baltic và Ukraine. Ông Duda cho rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thêm các sự hợp tác khác nhất là các lĩnh vực đầu tư thương mại giữa hai bên trong thời gian tới.
Mới đây, hôm 3/8, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo quốc gia này và Ba Lan đã hoàn tất đàm phán Thỏa thuận nâng cấp hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép Washington tăng cường hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Âu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper EDCA sẽ cho phép Mỹ tăng quân số hiện diện luân phiên dài hạn tại Ba Lan thêm 1.000 người, bổ sung cho lực lượng tổng cộng 4.500 binh lính Mỹ đang được triển khai luân phiên tại quốc gia nằm ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Được biết, việc đàm phán EDCA hoàn tất chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch tái bố trí gần 12.000 binh lính nước này đóng quân tại Đức. Trong số các binh lính Mỹ chuẩn bị được rút khỏi Đức có 5.600 binh lính sẽ được điều động tới các quốc gia khác trong NATO và phần còn lại sẽ trở về Mỹ, trong đó một số sẽ được triển khai luân phiên trở lại châu Âu.
Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper tuyên bố rút gần 12.000 quân Mỹ khỏi Đức, phần lớn sẽ về nước, số còn lại sẽ được tái triển khai cho các nước NATO ở châu Âu.
Theo ông Trump, Mỹ đưa ra quyết định này bởi sự đóng góp của Đức cho NATO là không đủ. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại phải “bảo vệ Đức trước Nga” khi mà Berlin mua một lượng lớn năng lượng của Moscow.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump liên tục kêu gọi rút binh lính Mỹ đồn trú ở nước ngoài để giảm thiểu gánh nặng chi tiêu quốc phòng. Hồi tháng 2, Chính quyền Washington đã ký kết thỏa thuận với Taliban, theo đó Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào giữa năm 2021, đổi lại Taliban cam kết đàm phán với Chính phủ Afghanistan nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần hai thập kỷ qua tại nước này.
Thanh Bình (lược dịch)