Ba đứa trẻ trong gia đình tử vong do Whitmore: Ai có thể nhiễm vi khuẩn này?
Trước đó, chị cả của 2 bé trong gia đình đã mất trong tháng 4. Cả 3 bé đều tử vong với cùng một nguyên nhân giống nhau, nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật.
Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao.
Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đến gia đình nhà các bé tử vong lấy mẫu đất, mẫu nước đi làm xét nghiệm. Dự kiến trong tuần tới sẽ có kết quả chính thức.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.
Loài vi khuẩn này sống trong đất vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, căn bệnh Whitmore không mới, vẫn xuất hiện rải rác ở Việt Nam nhưng người dân còn chủ quan hoặc không biết, không để ý đến dấu hiệu của bệnh để đi khám và điều trị kịp thời. Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, phức tạp nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Vì trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, ngay cả khi bệnh nhân được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng rất khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và nguy cơ tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh phải kéo dài và tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore còn cao, khoảng 40-60%.
Ở những nơi có bệnh lan truyền, việc tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh melioidosis. Tuy nhiên, ở những khu vực này, để giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm, người dân có thể thực hiện như sau:
Thứ nhất, người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh melioidosis và nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng.
Thứ hai, nông dân nên mang ủng khi đi xuống ruộng, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân.
Thứ ba, người nhà và nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua đường tiếp xúc (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.