Ba Đình – Hà Nội: Nâng cao nhận thức về xây dựng Trường học hạnh phúc
Tháng 8/2022, UBND quận Ba Đình đã ban hành Kế hoạch Thí điểm triển khai Dự án “Trường học hạnh phúc” ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình giai đoạn 2022-2025. Ba trường đầu tiên tham gia Dự án gồm Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Tiểu học Phan Chu Trinh và Thực nghiệm.
Dự án được triển khai dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, sự tư vấn của GS. Hà Vĩnh Thọ, Người sáng lập Hiệp hội Eurasia về Hạnh phúc & An sinh, nguyên Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc Gia Bhutan và sự đồng hành của Học viện Eurasia (ELI).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn đầu triển khai Dự án là tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về xây dựng Trường học hạnh phúc.
Chiều ngày 17/12, nhóm điều phối Dự án Trường học Hạnh phúc quận Ba Đình đã phối hợp với trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi tổ chức buổi bồi dưỡng "Từ tự nhận thức sang tự chuyển hóa - Chăm sóc cảm xúc khó". Tham dự chương trình có hơn 40 cán bộ, giáo viên chủ chốt của 3 trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Tiểu học Phan Chu Trinh và Thực nghiệm.
Qua chương trình bồi dưỡng, các thầy cô giáo hiểu được sự liên hệ giữa 2 kĩ năng SEL: Tự nhận thức và Tự chuyển hóa; Hiểu về hai khía cạnh của Tự chuyển hóa: Chăm sóc cảm xúc khó và Nuôi dưỡng phẩm chất tích cực; Đồng thời thực hành các hoạt động Nhận diện và Chăm sóc cảm xúc khó cho bản thân (5 bước nhận diện và chăm sóc cảm xúc/4 bước R.A.I.N).
Tại buổi bồi dưỡng, các thầy cô giáo đã có những chia sẻ, thảo luận sôi nổi về các tình huống thực tế, cụ thể, nảy sinh trong trường học và trong đời sống như: Làm thế nào để chuyển hoá cảm xúc khó (cảm xúc tiêu cực: giận dữ, thất vọng, buồn chán…) khi con cái không nghe lời cha mẹ hoặc khi học sinh cố tình làm trái với quy định của lớp, của trường? Từ kiến thức được học, các thầy cô vận dụng để giải quyết tình huống và tự mình chuyển hoá cảm xúc tiêu cực trong những tình huống đó.
Ban Tổ chức kỳ vọng, sau buổi bồi dưỡng, trên cơ sở áp dụng kiến thức, kĩ năng thu nhận được, các thầy cô có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc và cuộc sống; Chuyên đề sẽ giúp các thầy cô có thêm năng lực tạo dựng được một môi trường làm việc, học tập tích cực, an toàn, có được kỹ năng cần thiết để cùng chung tay xây dựng những thế hệ giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Đánh giá về việc triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc thời gian qua, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho rằng, dù mỗi nơi có một cách xây dựng Trường học hạnh phúc khác nhau, nhưng đều chung thành quả là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết, gần gũi và có sự tương tác nhiều hơn, cơ sở vật chất trường, lớp được xây dựng khang trang… Việc xây dựng Trường học hạnh phúc cũng giúp đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, nhất là về kỹ năng ứng xử sư phạm và việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo.
Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc. Cô giáo Đồng Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Biên nhấn mạnh: “Hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim của mình, hãy lan tỏa cho các em niềm tin và tình yêu vào cuộc sống bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình. Hãy làm cho mỗi lớp học thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các em thực sự là một ngày vui”.
"Để giáo viên – nhân viên của mình hạnh phúc trong môi trường làm việc, bản thân tôi – một người Hiệu trưởng cũng phải tìm hạnh phúc trong công việc quản lý của mình. Đó là tự giảm áp lực công việc, tìm niềm vui trong công việc bằng sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung với đồng nghiệp. Chính vì vậy, trong điều hành, quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định theo chỉ đạo của cấp trên, tôi đã thay đổi bằng việc chỉ đạo, quản lý bằng sự quan tâm, chia sẻ. Điều này thể hiện trong việc quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của đồng nghiệp, quan tâm đến ý kiến của mỗi thành viên trong hoạt động giáo dục của nhà trường, tạo môi trường dân chủ", cô Quyên chia sẻ thêm.
Thu Hiền