Anh đề xuất điều thêm binh sĩ và vũ khí hỗ trợ NATO đối phó với Nga
Thủ tướng Anh sẽ đề xuất triển khai thêm binh sĩ tới sát biên giới Nga, cũng như điều động chiến đấu cơ và tàu chiến hỗ trợ NATO đảm bảo an ninh.
Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào hôm nay (10/2), Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra đề xuất tăng cường sự hiện diện của quân đội Anh tại các cửa ngõ của Nga. Cụ thể, Anh sẽ đề nghị liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu tăng cường số lượng binh sĩ Anh ở Estonia, triển khai thêm các chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh tới Nam Âu, cũng như điều động dàn chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh tới phía đông Địa Trung Hải.
Đây là thông tin được công bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 Phố Downing trước khi ông Johnson thực hiện chuyến thăm tới trụ sở NATO ở Brussels. Đề xuất tăng cường năng lực quân sự của Anh gần các đường biên giới Nga sẽ phục vụ mục tiêu “bảo vệ” các đồng minh NATO.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp. (Ảnh: TASS) |
“Khi NATO được thành lập, các đồng minh đã đưa ra lời cam kết mang tính lịch sử là bảo vệ sự tự do của mỗi nước thành viên. Anh vẫn duy trì cam kết đối với an ninh châu Âu”, RT dẫn tuyên bố từ số 10 Phố Downing.
Trong tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh, gói hỗ trợ tăng cường năng lực quân sự bao gồm “tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Anh hoạt động ở Estonia để hỗ trợ NATO, triển khai thêm các chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh để thiết lập một phi đội ở khu vực Nam Âu, cũng như đưa chiến hạm HMS Trent và 1 tàu khu trục Type 45 tới phía đông Địa Trung Hải” nhằm “giúp bảo vệ không phận trên không và trên biển ở phía đông nam của NATO”.
Trên thực tế, binh sĩ Anh đã được triển khai tới Ba Lan và quân đội Anh cũng sẽ có mặt ở Estonia “trong những tuần sắp tới để hỗ trợ Ba Lan và các quốc gia Đông Âu khác đối phó với mọi tác động từ hành vi gây hấn của Nga”, tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, thêm 1.000 binh sĩ ở Anh sẽ được đặt trong trạng thái sẵn sàng hoạt động nhằm hỗ trợ NATO và các nước đồng minh “trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nhân đạo”.
Cũng theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Johnson, người đang bị dư luận Anh gây sức ép từ chức do bê bối tụ tập tiệc tùng tại dinh Thủ tướng trong giai đoạn nước này phong tỏa chống dịch Covid-19, sẽ tận dụng chuyến thăm tới Brussels và Warsaw để kêu gọi các nước thành viên NATO “thể hiện cam kết đoàn kết giữa các nước đồng minh trong khối liên minh quân sự trước sức ép từ phía Nga”.
Chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới châu Âu diễn ra vào đúng thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Anh cũng thực hiện chuyến công tác tới Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết họ sẽ kêu gọi Nga dừng “chiến dịch công kích để phát động một cuộc chiến lai" và "tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa”.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và Anh liên tiếp cáo buộc Nga có kế hoạch xâm chiếm Ukraine, bất chấp Moscow nhiều lần phủ nhận và nhận định đây chỉ là “tin giả”. Ngay cả Ukraine cũng hối thúc truyền thông và các chính trị gia phương Tây dừng đưa ra tuyên bố về việc cuộc tấn công của Nga “sắp xảy ra” để tránh làm hoang mang dư luận.
Về phần mình, Nga bày tỏ mối quan ngại về hoạt động mở rộng thêm địa bàn hoạt động của NATO sang các khu vực sát biên giới Nga, cũng như việc NATO có ý định kết nạp Ukraine làm nước thành viên.
Moscow đã gọi tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là “giới hạn đỏ”. Nga cũng cố gắng nối lại đối thoại với Mỹ và NATO kèm theo các bản đề xuất đảm bảo an ninh trong tháng 12/2021.
Sau hàng loạt cuộc đối thoại, Mỹ và NATO đã từ chối nhiều yêu cầu từ phía Nga bao gồm yêu cầu NATO dừng hoạt động mở rộng về phía đông, và dừng triển khai các loại vũ khí tấn công dọc biên giới Nga.
Nga phản ứng trước tin Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tới Ukraine
Thông tin Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Ukraine khiến Nga lên tiếng phản đối.
Minh Thu (lược dịch)