Ẩn ý của Trung Quốc khi điều 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ?
Trung Quốc dường như muốn chứng minh sức mạnh ngày càng lớn của hải quân nước này bằng cách điều động 4 tàu chiến tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ.
Bốn tàu chiến bao gồm 1 tàu khu trục hiện đại nhất của Trung Quốc đã xuất hiện ở ngoài khơi bang Alaska của Mỹ vào cuối tháng Tám. Động thái này được cho là nằm trong chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Theo các bức ảnh được Lực lượng Tuần duyên Mỹ công bố, 4 tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã bị 2 tàu của Tuần duyên Mỹ theo dõi khi di chuyển trên vùng biển quốc tế nằm trong vùng đặc quyền kinh tế ở quần đảo Aleut vào ngày 29/8 và 30/8.
Trung Quốc điều 4 tàu chiến bao gồm 1 tàu khu trục tối tấn nhất tới ngoài khơi bang Alaska của Mỹ. (Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Mỹ) |
Đây là những bức ảnh được Dịch vụ phân phối thông tin hình ảnh quốc phòng (DVIDS), cơ quan thuộc Lầu Năm Góc ghi lại. Theo đó, các tàu của Mỹ - Trung đã “tương tác an toàn và chuyên nghiệp”, cũng như trao đổi liên lạc tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm Bộ Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES), một thỏa thuận không ràng buộc về mặt pháp lý nhằm ngăn các cuộc đụng độ xảy ra trên biển.
Bốn tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bang Alaska gồm tàu khu trục Type 055 và Type 052D, cùng tàu do thám Type 815 và tàu hậu cần Type 903.
Những bức ảnh này được DVIDS chụp và cho công bố hôm 13/9, nhưng chỉ sau vài giờ đã bị xóa bỏ. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về sự việc trên.
Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản xác nhận 4 chiến hạm của quân đội Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Soya vào ngày 24/8.
Đây không phải là lần đầu tiên các tàu chiến của hải quân Trung Quốc có mặt ở ngoài khơi bang Alaska của Mỹ. Trước đó, vào năm 2015, 5 tàu của hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện ở biển Bering, ngoài khơi bang Alaska. Sau sự kiện này, Lầu Năm Góc nhận định đây là lần đầu tiên các tàu của quân đội Trung Quốc được điều động tới khu vực này.
Dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cho đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu chiến. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Riêng trong năm 2019, Trung Quốc đã cho hạ thủy 24 tàu chiến từ tàu khu trục cho tới tàu tấn công đổ bộ quy mô lớn và tàu hộ tống. Vào năm 2020, Bắc Kinh đã cho biên chế 3 tàu khu trục tàng hình Type 055, loại tàu chiến có sức mạnh đứng hàng thứ 2 trên thế giới.
Ông Yue Gang, một Thượng tá của quân đội Trung Quốc nhưng đã nghỉ hưu, nhận định việc tàu khu trục hiện đại nhất của Trung Quốc có mặt gần bờ biển nước Mỹ có thể hiểu là nhằm chứng minh phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc đang được mở rộng nhanh chóng.
“Trong vòng 6 năm kể từ khi các chiến hạm Trung Quốc có mặt ở ngoài khơi bang Alaska, sự xuất hiện lần này là phô trương lực lượng mới của hải quân Trung Quốc. Những tàu chiến quy mô lớn cần được thử nghiệm năng lực để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu khi thực hiện nhiệm vụ trên biển”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yue.
Cũng theo ông Yue, một hải quân hùng mạnh được trang bị thêm các chiến hạm hiện đại là vô cùng cần thiết để hỗ trợ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện kinh tế trên toàn thế giới.
Còn theo ông Song Zhongping, chuyên gia bình luận quân sự ở Hong Kong, sứ mệnh hồi cuối tháng Tám ở ngoài khơi bang Alaska là một phần trong tham vọng xây dựng hải quân biển xanh của Trung Quốc.
Ông Song nhấn mạnh, tàu khu trục tối tân Type 055 có thể tiến hành các sứ mệnh ở những vùng biển xa, chứ không chỉ bó hẹp ở phạm vi vùng biển các nước láng giềng của Trung Quốc.
“Trung Quốc hiện có năng lực thực hiện những sứ mệnh ở vùng biển xa một cách đều đặn. Hải quân Trung Quốc cần đi xa hơn đặc biệt là khi Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân chiến lược để thực hiện các sứ mệnh biển xanh”, ông Song nói thêm.
Ông Song cho hay sứ mệnh đi biển của hải quân Trung Quốc không nhất thiết là nhắm vào Mỹ.
Nhưng ông Yue lại cho rằng sự hiện diện của các tàu chiến hải quân Trung Quốc ở ngoài khơi nước Mỹ có thể là phản ứng của Bắc Kinh trước việc Washington điều động tàu chiến tới Biển Đông và eo biển Đài Loan, 2 khu vực Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Quần đảo Aleut, khu vực tranh chấp quyền kiểm soát giữa Mỹ và Nga là chuỗi các đảo núi lửa và nhiều đảo nhỏ, nhưng cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân và hải quân. Đáng nói, quần đảo Aleut còn nằm trong “chuỗi đảo thứ nhất” nắm vị trí quan trọng chiến lược khi nối từ quần đảo Kuril của Nga tới Biển Đông.
Trên đường đua cạnh tranh địa chính trị, Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng cho tăng cường các hoạt động quân sự ở cả Biển Đông và eo biển Đài Loan, hai khu vực hiện được xem là điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự.
Vào ngày 7/9, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson mang theo các tiêm kích tàng hình F-35 đang có mặt ở Biển Đông để thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh hàng hải. Đây là một phần trong cam kết của Mỹ đối với các đối tác và đồng minh về việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Cũng theo Hạm đội Thái Bình Dương, đây là lần đầu tiên các chiến đấu cơ tàng hình F-35 tham gia sứ mệnh như trên. Quá trình diễn tập nhằm chứng minh năng lực triển khai nhanh chóng các lực lượng hải quân của Mỹ để phản ứng trước diễn biến ở khu vực.
NATO đang lo ngại điều gì ở Trung Quốc?
Tổng thư ký NATO lo ngại về sự xuất hiện của hàng loạt silo tên lửa mới mà Trung Quốc cho xây dựng.
Minh Thu (lược dịch)