An Giang: 100% trường học thành lập chi hội khuyến học
Thời gian qua, công tác khuyến học tại An giang tiếp tục phát triển về mọi mặt, có nhiều hoạt động thiết thực và thu được những kết quả quan trọng.
Năm nay, công tác tuyên truyền được Hội Khuyến học tỉnh An Giang thực hiện thường xuyên, liên tục, đi sâu xây dựng, phát hiện, nhân rộng các mô hình mới, điển hình tiên tiến.
Hội cũng tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh An Giang thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế”.
Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng trong tiến trình xây dựng xã hội học tập, tạo quyết tâm mới trong hoạt động cho đội ngũ làm công tác khuyến học.
Đây cũng là minh chứng cho tinh thần vượt khó, khả năng thích ứng của tổ chức Hội trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời từ ngày 1/10 đến 7/10 với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời” đã diễn ra trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, bổ ích, thu hút hàng vạn người tham gia.
Ảnh minh họa |
Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động xây dựng mô hình học tập trên địa bàn tỉnh, hiện An Giang đã công nhận hơn 500 dòng họ học tập.
Các dòng họ học tập phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên, khuyến khích các thành viên trong dòng họ quan tâm chăm lo, nuôi dạy con, cháu trong gia đình học hành đến nơi, đến chốn và thành đạt trong cuộc sống.
Trong đó, dòng họ Võ Trọng Đãi (huyện Chợ Mới), Nguyễn Như Lân (thành phố Long Xuyên), có 4 thế hệ ông, cha, con, cháu học tập thành danh và đều trở thành những người có vị trí trong xã hội…
Bên cạnh đó, An Giang hiện có hơn 400.000 gia đình học tập. Các gia đình này đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống nuôi con, cháu ăn học thành tài.
Điển hình như nhiều gia đình đông con nhưng vẫn cho con ăn học và đỗ đạt cao như: gia đình bà Đỗ Thị Phĩ, huyện Thoại Sơn; gia đình ông Phạm Thành Lễ, huyện Châu Phú, gia đình ông Võ Văn Nam, huyện Tri Tôn….
Đến nay, An Giang cũng đã có 100% trường học thành lập chi hội khuyến học. Hoạt động của các chi hội trường học bước đầu đã đi vào nề nếp; các chi hội đã phát động các phong trào nuôi heo đất, vận động thầy cô giáo nhận đỡ đầu cho học sinh nghèo và tích cực vận động gây quỹ khuyến học để cấp phát học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 300 trung tâm học tập cộng đồng, phủ kín các xã, phường, thị trấn. Các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tỉnh tham gia học tập, học tập suốt đời, học tập mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn khu dân cư.
Mặt khác, Quỹ khuyến học của tỉnh An Giang cũng được duy trì và phát triển theo hướng đa dạng hóa loại hình.
Vận động Quỹ khuyến học các cấp trong tỉnh năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Quỹ khuyến học các cấp hàng năm tiếp nhận bằng tiền và hiện vật quy ra tiền trị giá hàng chục tỷ đồng.
Bằng nguồn vận động trên, hằng năm Hội khuyến học các cấp đã cấp học bổng, trợ cấp khó khăn, khen thưởng cho hàng ngàn lượt học sinh, sinhv iên; thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo như: đã xây dựng trường mẫu giáo, căn nhà công vụ cho giáo viên, cấp hàng ngàn xe đạp cho học sinh nghèo ở xa trường học, hằng trăm triệu đồng mua sách giáo khoa và hàng trăm máy vi tính tặng các trường học.
Thời gian tới Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học gắn liền với xây dựng ấp, gia đình văn hóa, nhất là chú trọng phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, góp phần gắn kết được 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội, đáp ứng nhu cầu của giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời của cộng đồng.
Hội Khuyến học tỉnh An Giang cho biết cũng sẽ tập trung phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời khen thưởng, biểu dương các gương điển hình trong phong trào khuyến học.
Ngoài ra, chú trọng phát triển phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ học tập sâu rộng trong quần chúng nhân dân; củng cố, xây dựng quỹ khuyến học, mở rộng các hình thức học tập khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, để mỗi gia đình, dòng họ cùng chung tay xây dựng xã hội học tập.
Hoàng Thanh