Ấn Độ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới, Trung Quốc lo ngại?
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, cuộc thử nghiệm đã chứng tỏ rằng sức công phá của các tên lửa do nước này chế tạo đang ngày càng được nâng cao, và trong tương lai chúng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Tên lửa Agni V trong cuộc diễu binh chào mừng Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/01) năm 2013. |
“Việc phóng thử nghiệm thành công Agni V đã khiến mọi người dân Ấn Độ cảm thấy tự hào. Nó sẽ giúp củng cố khả năng phòng vệ của đất nước”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên trang Twitter cá nhân của mình.
Đây là lần phóng thành công thứ tư của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Agni V. Tên lửa được phóng lần đầu tiên vào năm 2012.
Trong cuộc thử nghiệm ngày 26/12, tên lửa được phóng đi từ một dàn phóng di động bố trí trên một hòn đảo thuộc bang Odisha ở phía Đông Ấn Độ.
Cuộc phóng tên lửa Agni V diễn ra trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại ngày càng có nhiều nước có vũ khí hạt nhân, được biệt là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng như những phát biểu nhằm nâng cao sức mạnh của vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Trump viết rằng “Hoa Kỳ cần phải củng cố và nâng cao số lượng vũ khí hạt nhân cho đến khi thế giới hiểu được tầm quan trọng của chúng”. Hiện Nga và Mỹ đang có tổng cộng 14.000 đầu đạn hạt nhân.
Theo Hiệp hội Các nhà Khoa học Hoa Kỳ (FAS), Ấn Độ đang có khoảng 100 đến 120 đầu đạn hạt nhân, ngang bằng Pakistan, nhiều hơn Triều Tiên nhưng ít hơn Trung Quốc.
Tên lửa Agni V có thể sẽ khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại, bởi với tầm bắn lên đến hơn 5.000km, Ấn Độ có thể tấn công thủ đô Bắc Kinh. Trong khi đó, tất cả các loại tên lửa khác của Ấn Độ đều có thể bắn đến bất kỳ địa điểm nào của Pakistan.
Tên lửa Agni V trong một lần phóng thử nghiệm. |
Theo ông Ajai Shukla, trước khi Agni V ra đời, tên lửa của Ấn Độ thậm chí không thể bắn đến lãnh thổ Trung Quốc. Giờ đây, tên lửa này sẽ “đóng vai trò rất quan trọng trong việc đối phó với Trung Quốc”.
“Nhiều nhà phân tích quân sự Ấn Độ tin rằng Agni V sẽ cho phép xây dựng quan hệ ngoại giao ổn định với Trung Quốc. Họ tin rằng Ấn Độ sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển lực lượng vũ trang của mình”, công ty phân tích HIS Jane’s nhận định.
Ông Shukla tin rằng khả năng chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Trung Quốc là rất thấp, bởi cả hai đều có chủ trưởng không khai hỏa vũ khí hạt nhân trước.