Ấn Độ thử nghiệm Su-30MKI trang bị tên lửa “vô đối” BrahMos
Tên lửa hành trình BrahMos dưới bụng Su-30MKI |
"Việc bay thử nghiệm chiếc Su-30MKI trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos-A đầu tiên đã bắt đầu. Các công việc hiện đại hóa chiếc Su-30MKI thứ hai vẫn đang được tiếp tục và nó sẽ sẵn sàng thử nghiệm trong năm nay", ông Sudhir Mishra cho biết và giải thích thêm rằng chiếc máy bay thứ hai là cần thiết để trù bị nhằm đảm bảo liên tục thử nghiệm, và đảm bảo hoàn thành kế hoạch thử nghiệm Su-30MKI trong năm nay.
Theo ông Sudhir Mishra, các thiết kế của chiến đấu cơ Su-30MKI đã có một số thay đổi quan trọng, đặc biệt, việc phân phối lại các yếu tố chịu tải của máy bay. Đồng thời, trọng lượng của tên lửa BrahMos-A đã được giảm một nửa tấn và chiều dài giảm nửa mét để thuận tiện cho việc tích hợp tên lửa cho máy bay.
Tại thời điểm này, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định chương trình nâng cấp 42 chiến đấu cơ Su-30MKI, không kể hai chiếc thử nghiệm. Chương trình nâng cấp sẽ do Tổng công ty HAL đảm nhiệm. Tháng 10/2012, Không quân Ấn độ đã mua 200 tên lửa BrahMos-A để trang bị cho loại tiêm kích này với giá 1,1 tỷ USD.
Trước đó, ngày 18/3, tại triển lãm hải quân và hàng không quốc tế LIMA-2015 đang diễn ra ở Kangwari, Malaysia (17/3-21/3), Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Irkut (nhà sản xuất Su-30MKI), ông Oleg Demchenko cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã khởi động dự án trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho các chiến đấu cơ Su-30SM (phiên bản cải tiến của Su-30MKI) của không quân nước này.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh được Nga và Ấn Độ liên doanh phát triển dựa trên cơ sở của tên lửa đẩy Yakhont - phiên bản xuất khẩu của tên lửa diệt hạm P-800 Onyx.
Cũng theo ông Sudhir Mishra, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có bất kỳ hệ thống phòng không nào có thể đánh chặn được mẫu tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.
“Sức mạnh của tên lửa hành trình BrahMos nằm ở khả năng bay với tốc độ siêu âm của nó. Sau khi được phóng đi BrahMos sẽ bay tới mục tiêu với tốc độ gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh và miễn nhiễm hoàn toàn với các hệ thống phòng không đối phương, điều duy nhất mà kẻ thù có thể làm được là bỏ chạy”, Mishra nhấn mạnh.
Tên lửa BrahMos gồm hai tầng, với động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu rắn ở tầng một và nhiên liệu lỏng ở tầng hai, hiện là loại tên lửa có tốc độ nhanh nhất thế giới và là khắc tinh của mọi loại tàu chiến cho đến nay.
BrahMos có tầm hoạt động vào khoảng 290km và có thể mang theo đầu đạn thông thường với trọng lượng 300 kg. Tên lửa có tốc độ tối đa Mach 3(2.500-3.000km/h) - tức nhanh gần gấp 3 lần so với tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất. Sở dĩ đạt tốc độ cao như vậy là vì BrahMos sử dụng đầu đạn nặng chỉ bằng 3/5 tên lửa Tomahawk và tầm bay ngắn hơn nhiều.
Trước đây, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos trên bộ và trên biển để trang bị cho Lục quân và Hải quân.