Ấn Độ mua tên lửa S-400 tối tân của Nga
Theo một số nguồn tin, Hội đồng Hậu cần Quốc phòng Ấn Độ (DAC) trực thuộc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Manohar Parrikar sẽ sớm phê duyệt đề xuất mua thêm khoảng một chục tên lửa tầm xa S-400 của Nga cho Không quân Ấn Độ.
S-400 là một trong những loại khí tài được ưa chuộng nhất của Nga hiện nay. |
“Dự án này hiện vẫn đang trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên đây sẽ là một thương vụ được cả hai chính phủ thực hiện và S-400 sẽ được bàn giao theo đợt”, một quan chức quốc phòng cho biết.
Thương vụ này có thể coi là một bước ngoặt lớn, nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Ấn Độ so với các nước khác trong khu vực. Rất có thể Ấn Độ sẽ công bố tin chính thức này khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Nga trong thời gian tới.
Quyết định mua tên lửa S-400 của Nga được đưa ra gần một năm sau khi Trung Quốc ký với Nga thỏa thuận mua về 6 tên lửa S-400 với tổng trị giá 3 tỉ USD. Dự kiến tên lửa này sẽ có mặt tại Trung Quốc vào năm 2017.
S-400 được cho là có thể sánh với tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Mỹ.
Ấn Độ tỏ ra lo lắng trước việc Trung Quốc sẽ có khí tài hiện đại, cho dù nó được thiết kế cho mục đích phòng vệ, bởi nó sẽ là vũ khí rất quan trọng trong trường hợp một cuộc xung đột xảy ra.
Tên lửa S-400 có 3 loại đầu đạn siêu thanh với tính năng khác nhau, có thể đánh chặn tất cả các mục tiêu trên không trong tầm xa từ 120 đến 400km. Các chuyên gia Nga khẳng định rằng tên lửa S-400 có thể bắn rơi các loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ.
Về phần mình, Ấn Độ đang muốn nâng cao khả năng do thám trên không và mạng lưới phòng vệ bằng việc đưa vào sử dụng hàng loạt các loại khí tài mới. Việc nước này đã có trong tay tên lửa tầm ngắn Akash được sản xuất trong nước là một bước đi đáng chú ý.
Trong khi đó, tên lửa tầm thấp Spyder của Israel cũng sẽ được đưa vào sử dụng trong quân đội Ấn Độ vào khoảng năm 2016 -2017. Các tên lửa đất đối không được phát triển bởi hai tập đoàn quốc phòng IAI của Israel và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) sẽ bắt đầu được bàn giao vào cùng thời điểm này.
Ân Độ là một trong những nước nhập khẩu khí tài quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, và một trong những vấn đề mà Thủ tướng Modi sẽ nhắc đến trong chuyến thăm ở Moscow là nhằm đẩy mạnh hợp tác với chính phủ Nga và các công ty quốc phòng để nước này có thể tự mình phát triển các loại vũ khí hiện đại.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.