Ấn Độ hạ thủy tàu săn ngầm bí mật Kamorta thứ hai
Theo ông Dhowan, lễ hạ thủy tàu khu trục lớp Kamorta thứ hai mang tên INS Kadmatt là một cột mốc lớn đối với sự phát triển của Hải quân Ấn Độ. “Giờ đây Ấn Độ đủ khả năng tự chế tạo tàu chiến, không còn phụ thuộc vào nước ngoài nữa”, ông phát biểu.
Tàu khu trục săn ngầm lớp Kamorta của Ấn Độ. |
“Sự xuất hiên của tàu INS Kadmatt sẽ mang đến một diện mạo mới đối với Hải quân Ấn Độ, cụ thể là hạm đội Phía Đông. Tàu có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau, qua đó tăng cường khả năng chiến đấu của Hải quân Ấn Độ“, ông nói thêm.
Hải quân Ấn Độ khẳng định “90% bộ phận của tàu” được chế tạo trong nước, trong đó có loại chất liệu tổng hợp DMR 249A được sử dụng để ốp lên mạn tàu và tháp chỉ huy của tàu INS Kadmatt. Tàu có trọng lượng 3.500 tấn, dài 109m, có tốc độ tối đa hơn 25 hải lý/giờ và tầm hoạt động vào khoảng 3.450 hải lý.
Tàu lớp Kamorta được trang bị hệ thống gồm 4 động cơ diesel có công suất 3.888kW vận hành hai chân vịt cùng hộp số không gây tiếng ồn. Tàu cần một thủy thủ đoàn gồm tổng cộng 190 người.
Khung tàu lớp Kamorta đầu tiên đã được dựng lên vào tháng 11/2006. Bốn năm sau đó, tàu INS Kamorta đã được công bố và đến tháng 8/2014, con tàu chính thức được hạ thủy. Trong khi đó, tàu INS Kadmatt bắt đầu được đóng vào năm 2007. Hai tàu khu trục còn lại của lớp Kamorta dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2017.
Nhiệm vụ chính của các tàu lớp Kamorta là phòng chống hoạt động của tàu ngầm đối phương, tuy nhiên chúng cũng có thể làm nhiệm vụ phòng không cũng như tham chiến trên biển rất hữu hiệu. Tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng gồm 16 ống chứa tên lửa đất đối không Barak cùng pháo OTO Melara.
Về khả năng săn ngầm của tàu lớp Kamorta, tạp chí IHS Jane’s nhận định: “Để có thể chống tàu ngầm một cách hiệu quả, một hệ thống gồm 4 ống phóng ngư lôi cùng dàn phóng tên lửa tiêu diệt tàu ngầm RBU6000 được lắp đặt lên tàu. Hiện vẫn chưa rõ hệ thống phòng vệ ngư lôi Mareech do Ấn Độ chế tạo được lắp đặt trên tàu hay chưa”.
Tàu cũng có một thiết bị dò tìm bằng sóng âm thanh Humsa-NG được gắn ở mũi tàu và sẽ có thêm hệ thống xôna tách rời Atlas Elektronik trong thời gian tới. Thêm vào đó, mỗi tàu lớp Kamorta còn có một trực thăng hạng nhẹ, giúp hỗ trợ dò tìm tàu ngầm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.