Ấn Độ chuẩn bị đối phó kịch bản 'lưỡng đầu thọ địch' ở khu vực biên giới
Ấn Độ đang chuẩn bị cho kịch bản “lưỡng đầu thọ địch” với cả Trung Quốc và Pakistan ở khu vực biên giới tranh chấp.
Theo báo cáo mới đây của hãng truyền thông Ấn Độ Timesnownews, Quân đội Ấn Độ đang xem xét điều chỉnh chiến lược để đáp ứng cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là đối phó với Trung Quốc và Pakistan cùng lúc.
Theo bài báo, quy mô triển khai lực lượng chiến đấu của Ấn Độ đang nghiêng hẳn về biên giới phía Tây, hiện tại, Ấn Độ đã triển khai 3 cánh quân ở biên giới phía Tây, trong khi đó chỉ có 1 cánh quân ở biên giới phía Bắc.
Khu vực biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan cùng Trung Quốc. Nguồn: Sina. |
Theo các nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ, trước tình hình xung đột quân sự hiện nay, Ấn Độ không cần gửi thêm quân hay thành lập lực lượng tấn công mới mà thay vào đó, nước này sử dụng toàn bộ lực lượng tác chiến hiện có và có thể điều chỉnh giữa hai lực lượng để cùng lúc đối phó với thách thức từ Trung Quốc và Pakistan.
Nguồn tin cho biết, Lục quân Ấn Độ đang xem xét các phương án điều chuyển khác nhau và đã trưng cầu ý kiến từ các chỉ huy trong lực lượng Lục quân. Đa số các ý kiến cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên tuyến kiểm soát thực tế ở biên giới Trung-Ấn.
Hiện nay, Ấn Độ có 3 quân đoàn tấn công là 1, 2 và 21 lần lượt được đóng tại Mathura, Ambala và Bhopal, tất cả đều nhằm bảo vệ biên giới phía tây giáp Pakistan. Ba lực lượng tấn công này đều được trang bị hạng nặng, được phân bổ ở phía tây, miền trung và bắc Ấn Độ, một số lực lượng cũng được triển khai gần biên giới Trung-Ấn.
Tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc, lực lượng chủ yếu hiện nay phụ trách nhiệm vụ chiến đấu là Quân đoàn 17, tên đầy đủ là Quân đoàn Tấn công sơn cước 17, cũng là đơn vị tinh nhuệ đầu tiên chuyên trị địa hình núi non, được huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại để đánh trả bất cứ hoạt động xâm nhập dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) với nước láng giềng.
LAC được chia làm 3 phần. Phần phía tây ở Ladakh, kế đến là phần trung tâm dọc theo biên giới Uttarakhand - Tây Tạng, phần phía đông ở Sikkim và Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc đang tranh chấp 90.000 km2 trong địa phận thuộc quyền quản lý của chính quyền New Delhi.
Quân đoàn này bao gồm 2 sư đoàn bộ binh chuyên tác chiến trên vùng núi cao, 2 lữ đoàn bộ binh độc lập, 2 lữ đoàn thiết giáp với khoảng 90 xe tăng, cùng trung đoàn pháo binh được trang bị vũ khí hiện đại, như pháo dã chiến siêu nhẹ nòng 155 li của Mỹ.
Tuy nhiên, trước các bước đi “táo bạo” của Trung Quốc vừa qua, Quân đoàn 17 không đủ lực lượng để có thể bảo vệ được “chủ quyền lãnh thổ” của Ấn Độ, do vậy, điều chuyển lực lượng là kế hoạch quan trọng và cấp bách.
Theo các nguồn tin, việc tái triển khai 1,3 triệu binh sĩ của Ấn Độ sẽ là một động thái quân sự lớn và được cho là nhằm chuẩn bị cho hai cuộc chiến trong thời gian tới với Trung Quốc và Pakistan.
Sư đoàn tấn công sơn cước của Ấn Độ đang được bố trí tại khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Nguồn: Sina. |
Ấn Độ từng hai lần xung đột vũ trang với Trung Quốc và 4 lần với Pakistan, ngoài ra còn có hàng chục vụ đụng độ nhỏ khác xảy ra kể từ khi quốc gia Nam Á giành được độc lập từ tay Anh vào năm 1947. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa bao giờ phải cùng lúc chiến đấu trên cả hai mặt trận để bảo vệ biên giới phía bắc và phía tây.
Giới chức quốc phòng Ấn Độ ngày càng lo ngại Trung Quốc và Pakistan có thể "bắt tay" để phối hợp tung đòn nhằm vào nước này trong lúc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bận đối phó với Covid-19.
Quân đội Ấn Độ có lực lượng hùng hậu và luôn sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ, một quan chức an ninh cấp cao cho biết. Nhưng việc phải duy trì nguồn lực phòng thủ cho hai mặt trận cùng lúc sẽ buộc lực lượng vũ trang Ấn Độ căng mình ứng phó.
Tư lệnh lục quân Ấn Độ, đại tướng Manoj Mukund Naravane, đã cảnh báo và thúc giục chính phủ, trong đó có các đại diện ngoại giao, chuẩn bị để tránh kịch bản "lưỡng đầu thọ địch".
"Nguy cơ phải chiến đấu cùng lúc ở hai mặt trận rất đáng lo ngại, vì nó có nguy cơ xảy ra. Một quốc gia không tham chiến bằng lực lượng vũ trang đơn độc, mà còn có các trụ cột khác như cơ quan ngoại giao và các ban ngành chính phủ khác. Họ tham gia để đảm bảo chúng ta không bị dồn vào chân tường và phải đối phó với hai kẻ thù dốc toàn lực cùng lúc", tướng Naravane nói.
Tình hình Syria: Mỹ điều thêm xe bọc thép tới Syria để 'dọa' Nga
Mỹ điều thêm xe bọc thép tới Syria để răn đe quân đội Nga; Quân đội Syria phát hiện nhiều vũ khí do Israel sản xuất là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Đức Trí (lược dịch)