Ăn bánh chưng bao nhiêu để không bị béo?
Bánh chưng giàu năng lượng |
Chiếc bánh chưng, bánh tét, bánh dày vừa thơm ngon vừa có các thành phần dinh dưỡng cao cung cấp cho cơ thể, đồng thời các nguyên liệu làm bánh đều là những vị thuốc thiên nhiên có tác dụng bồi bổ sức khoẻ:
- Gạo nếp nấu chín nhừ, theo quan điểm đông y có tác dụng bổ tỳ, bổ khí huyết, điều hoà âm dương bồi dưỡng sinh lực.
- Đỗ xanh tính mát, giải độc, dưỡng can, làm sáng mắt như cân hoạt lạc.
- Thịt lợn vừa nạc vừa mỡ có tính bình hoà, có hàm lượng đạm cao, mỡ lợn ôn thuận, hoạt tràng vị, tăng thân nhiệt.
- Hành củ tươi có tác dụng hành khí, tiêu thực hoạt huyết, giải tà khí phong hàn.
- Hạt tiêu làm ấm tỳ vị, ôn hoà tiêu thực, sát trùng và kích thích ăn ngon.
- Chất diệp lục của lá dong không những làm cho bánh có màu xanh đặc biệt mà còn tác dụng nhuận tràng, giải độc rượu, trừ thấp, tiêu viêm, thanh lọc kế khí.
Sự điều hoà các thành phần dinh dưỡng trong bánh chưng, bánh tét làm ăn ngon lại có đủ chất bồi dưỡng sức khoẻ.
Tuy nhiên, bánh chưng, bánh tét thành phẩm cũng giàu năng lượng (trên 200kcal/100g), nhiều chất béo, có thể gây tăng tiết axit dịch vị, người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, dạ dày có tăng tiết dịch vị... không nên ăn nhiều.
Nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, ăn khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng. Nếu ăn bánh thì hạn chế những món rán, quay và tăng cường rau quả có nhiếu chất xơ, ít ngọt như bưởi, dứa, dưa hấu...