AI tiết lộ mặt chuột cũng biểu đạt được hàng loạt cảm xúc
AI vừa tiết lộ rằng chuột có rất nhiều biểu cảm khuôn mặt giúp thể hiện cảm giác của chúng – qua đó mang lại cho chúng ta những bằng chứng mới mẻ về cách những phản ứng cảm xúc hình thành trong bộ não con người.
Các nhà khoa học tại Viện Sinh học thần kinh Max Planck ở Đức đã phát hiện được điều này bằng cách ghi lại khuôn mặt của những con chuột trong phòng thí nghiệm khi chúng bị kích thích bởi nhiều yếu tố khác nhau, như vị ngọt, hay sốc điện. Các nhà nghiên cứu sau đó sử dụng các thuật toán học máy để phân tích khuôn mặt của lũ gặm nhấm đã thay đổi ra sao khi chúng trải nghiệm những cảm giác khác nhau.
Phần mềm cho thấy các cơ mặt của chuột sẽ dịch chuyển nhẹ khi cảm xúc của chúng thay đổi. Chuột trải qua cảm giác đau sẽ thu tai lại và phồng má ra, trong khi chuột có cảm giác vui lòng sẽ đẩy hàm và tai về phía trước, và kéo mũi của chúng về phía miệng.
AI còn tiết lộ rằng biểu đạt của chuột sẽ khác nhau, tùy thuộc vào cảm giác của chúng trước khi bị kích thích. Ví dụ, khi một con chuột khát nước được cho uống nước có đường, khuôn mặt của nó sẽ thể hiện nhiều niềm vui sướng hơn một con chuột đã hết khát.
Các nhà nghiên cứu sau đó tìm hiểu xem những tế bào não nào đã kích hoạt những phản ứng kia bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là quang sinh, tức dùng ánh sáng để kích thích các neuron khác nhau. Họ phát hiện ra rằng khi nhắm vào các neuron có khả năng kích hoạt các cảm xúc khác nhau, chuột sẽ thể hiện các biểu cảm khuôn mặt tương ứng.
Cách não xử lý cảm xúc
Ý tưởng biểu cảm khuôn mặt có thể tiết lộ cách não bộ xử lý các cảm xúc không phải là mới. Năm 1872, Charles Darwin đã nhận định rằng con người và các loài động vật giao tiếp cảm xúc với nhau thông qua những biểu cảm tương tự. Những tiến bộ gần đây trên lĩnh vực AI đã mở ra cánh cửa cho phép chúng ta thử nghiệm giả thuyết của ông.
"Tôi rất thích thú với việc con người chúng ta có những trạng thái cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm như những cảm nhận" – nhà khoa học thần kinh Nadine Gogolla, người dẫn đầu một nghiên cứu kéo dài 3 năm trời, cho biết. "Tôi muốn xem thử liệu chúng ta có thể biết những trạng thái đó hình thành trong não như thế nào thông qua các nghiên cứu trên động vật hay không".
Nhóm của Gogolla đã huấn luyện phần mềm nhận biết các phản ứng của chuột bằng cách cung cấp cho nó các hình ảnh về biểu cảm khuôn mặt của chuột với ghi chú về cảm xúc liên quan. Sau đó, họ cho hệ thống xem các hình ảnh không có ghi chú và yêu cầu nó giải mã cảm xúc trong bức hình.
AI có thể xác định các cảm xúc với độ chính xác là 90% - theo một bài viết trên tạp chí Science.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những thông tin họ thu thập được về cách thức các neuron kích hoạt các phản ứng trên khuôn mặt của loài chuột sẽ giúp chúng ta hiểu được cách não bộ con người xử lý các tình trạng rối loạn lo âu và trầm cảm. Và họ có lẽ sẽ chứng minh được Darwin rốt cuộc đã luôn đúng!