Liệt tứ chi chỉ vì dấu hiệu cả triệu người thường bỏ qua
Buộc phải nhập viện mổ thoát vị cột sống, anh Nguyễn Văn Hải (28 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) không tin mình lại phải “nằm im” sớm thế. Trước khi nhập viện thi thoảng anh cũng đau nhức lưng nhưng cứ nghĩ do đặc thù công việc ngồi nhiều. Cơn đau thoáng qua rồi hết nên anh càng chủ quan.
1 năm trước, những cơn đau buốt thốc lên óc khiến người đàn ông trẻ tuổi này lúc nào cũng lom khom. Tự mua thuốc uống, bôi nhưng tình trạng không thay đổi, anh đến viện khám được điều trị nội khoa.
“Thêm 3 tháng trời tiêm, uống thuốc kết hợp vật lý trị liệu nhưng vẫn không khỏi. Thậm chí bên chân phải tôi còn có dấu hiệu tê bì. Các bác sĩ buộc phải chỉ định mổ”, anh H. kể lại.
Trường hợp anh Hải dường như không còn quá hiếm khi một thống kê gần đây cho thấy trên 90% người trưởng thành ở nước ta gặp vấn đề về cột sống. Tình trạng này gây đau đớn, mệt mỏi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lẫn khả năng vận động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan thờ ơ với bệnh.
Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Đức Giang trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho 50 bệnh nhân mắc các bệnh lý cột sống, tăng gấp 3 – 4 lần so với trước đây. Điều đáng báo động có tới 70-80% người bệnh còn chủ quan dẫn tới biến chứng nặng.
Bà Nguyễn Thị Kh. (73 tuổi) nhập viện trong tình trạng xẹp đốt sống kèm theo thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, trượt đốt sống. Toàn bộ bàn chân bà run bần bật, không thể tự đi đứng được mà phải có người dìu.
Bà cho biết phát hiện mắc bệnh lâu rồi nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chưa đi được. Cứ cố nhúc nhắc. Chỉ đến khi lưng còng xuống, đau không chịu được, chân run rẩy thì mới đến viện.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Kh., BS Nguyễn Trọng Đạt, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đức Giang cho biết do chủ quan, bệnh nhân không được kiểm tra và phát hiện kịp thời nên thoát vị đĩa đệm đã gây chèn ép tuỷ sống, nguy cơ liệt.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền (Gia Lâm, Hà Nội) cũng thờ ơ với sức khoẻ của mình để bây giờ bệnh lý cột sống biến chứng, không đáp ứng các phương pháp điều trị cơ bản như vật lý trị liệu, nội khoa buộc phải phẫu thuật.
Hơn 2 năm trước, thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau, mỏi lưng, ban đầu những cơn đau đến rồi tự đi nên bà Hiền cũng không để ý. Gần đây, những cơn đau nhức nhiều lên bà xoa bóp đắp các loại thuốc nam (ngải cứu, lá lốt…) nhưng không đỡ.
Chỉ đến khi bàn chân bà trở nên tê cứng, gõ vào đầu gối không phản ứng gì thì bà Hiền mới đến viện. Tại đây các bác sĩ cho biết bà bị thoái hoá đốt sống lưng chuyển biến nặng.
“Tôi chưa từng nghĩ bị thoái hoá đốt sống lưng hay bị gì nên cũng không đi khám. Nên bây giờ bác sĩ đang chỉ định phải mổ cột sống”, người phụ nữ này lo lắng nói.
Ths. BS Trần Trung Kiên, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV đa khoa Đức Giang cho biết, hầu hết bệnh nhân mắc các bệnh lý cột sống vẫn nghĩ đây là những bệnh lý đơn giản cho nên có thể tự điều trị tại nhà. Bệnh nhân chỉ đến viện khi bệnh lý đã trở nên nặng gây khó khăn trong quá trình điều trị dẫn tới tình trạng: yếu, liệt, liệt cả hai chân thậm chí cả tứ chi dẫn tới những thiếu hụt về thần kinh không thể hồi phục được.
“Đáng ngại, trong số bệnh nhân mắc các bệnh lý cột sống, các bác sĩ lưu ý tình trạng trẻ hoá. Đã có những trường hợp dưới 30 tuổi đã mắc các bệnh lý cột sống”, BS Trung Kiên cảnh báo.
Theo BS Trung Kiên những người trẻ thừa cân, béo phì, người có thói quen ít vận động hoặc từ những người làm nhân viên văn phòng ngồi lâu, giữ nguyên ở một tư thế… dễ mắc các bệnh lý cột sống.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo khi có bất thường về xương khớp, người dân nên tới bệnh viện thăm khám. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp (phương pháp nội khoa, dùng thuốc, sử dụng vật lý trị liệu hay phương pháp ngoại khoa phẫu thuật). Người bệnh tuyệt đối không tự ý chữa bệnh hay chủ quan thờ ơ với căn bệnh này.
N. Huyền