7 loại vũ khí của Liên Xô khiến Mỹ ‘sợ phát khiếp’ (P.1)
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Liên Xô |
Năm 1981, Mỹ đã cho xuất bản một poster mang tên “Soviet Big 7”, để giới thiệu sơ lược về 7 loại phương tiện chiến đấu của Hồng quân Liên Xô. “Soviet Big 7” gồm các phương tiện chiến đấu bọc thép, như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành bọc thép, pháo phòng không tự hành, tổ hợp tên lửa phòng không tự hành, trực thăng vũ trang hạng nặng ...
Đây là xương sống của lực lượng bộ binh cơ giới Xô viết hùng mạnh. Nhiều loại vũ khí trong số này đến nay vẫn phục vụ trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72
Bắt đầu được sản xuất năm 1971, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 là một bất ngờ lớn với phương Tây. Theo như poster “Soviet Big 7” thì T-72 là “hậu duệ” của xe tăng T-62, nhưng thực ra “tiền bối” của T-72 lại là xe tăng T-64.
Nguyên do, ở Liên Xô trước đây và Nga sau này tồn tại song song hai dòng xe tăng: Trong khi các mẫu T-54/55, T-62 và T-80 tập trung vào khả năng đối kháng đấu tăng, có hỏa lực mạnh, khả năng vận động tốt, … thì các xe T-64, T-72 và sau này là T-90 thiên về khả năng tác chiến binh chủng hợp thành trong thời gian dài, hoạt động trong những điều kiện tác chiến phức tạp, đối phó tốt với các vũ khí chống tăng của bộ binh.
Với mẫu xe tăng T-64, Liên Xô đã chấm dứt thời kì của các dòng tăng hạng trung và hạng nặng, mà hợp nhất cả hai loại thành xe tăng chiến đấu chủ lực (Main Battle Tank – MBT).
Tuy có nhiều bước tiến mang tính cách mạng như sử dụng pháo nòng trơn cỡ nòng lớn, giáp liên hợp, hệ thống nạp đạn tự động, động cơ mạnh mẽ … song T-64 vẫn còn những hạn chế nhất định, khối lượng xe quá nhẹ chỉ 38 tấn. T-72 đã khắc phục được những hạn chế của T-64, và trở thành mẫu mực của xe tăng chiến đấu chủ lực, một bất ngờ lớn với phương Tây. Xe nặng 44,5 tấn, dài 9,53m, rộng 3,46m, cao 2,23m (biến thể T-72B). Kíp lái 3 người.
Xe tăng T-72 được trang bị động cơ diesel V-84 mạnh mẽ 840 mã lực, cho phép đạt tốc độ 60km/h trên đường tốt và 45km/h trên địa hình xấu. Tầm hoạt động của xe là 500km, và sẽ tăng lên 900km nếu sử dụng thùng dầu phụ. Xe có thể lội sâu 1,2m mà không cần chuẩn bị, và lội sâu 5m với ống thở.
Hệ thống bảo vệ của xe rất tốt, với giáp liên hợp và giáp phản ứng nổ (ERA) loại Kontakt hoặc Kontakt-5. Giáp của xe có khả năng bảo vệ tương đương 520mm giáp RHA khi chống lại đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi (APFSDS), và con số này tăng lên 950mm khi chống lại đạn lõm chống tăng (HEAT).
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Liên Xô |
Với giáp phản ứng nổ Kontakt-5, T-72 có thể giảm đến 30% khả năng xuyên giáp, và “miễn dịch” với đạn xuyên APFSDS kiểu M829A1 của pháo 120mm M256 trang bị trên xe tăng M1A1, M1A2 … của Mỹ. Không những vậy, sau này xe còn được tăng cường khả năng bảo vệ bằng các hệ thống phòng ngự chủ động, thụ động như Drozd, Arena hay Shtora …
Xe cũng được trang bị 8 ống phóng lựu đạn khói 81mm và có khả năng chống vũ khí hủy diệt lớn NBC (xạ sinh hóa)
Về hỏa lực, xe tăng T-72 được trang bị pháo chính 125mm nòng trơn kiểu 2A46M (phiên bản T-72B), với hệ thống nạp đạn tự động cho tốc độ bắn tối đa 6 phát/phút. Vũ khí phụ của xe gồm trọng liên phòng không 12,7mm NSVT trên nóc xe, có tầm bắn hiệu quả 1.500m, tốc độ bắn 200 phát/phút và súng máy đồng trục PKTM, có tầm bắn hiệu quả 1.000m, tốc độ bắn 250 phát/phút.
Pháo chính 2A46 của xe tăng T-72 được hỗ trợ bởi hệ thống điều khiển hỏa lực 1A40, hệ thống đo xa laser TPD-K1M, hệ thống ổn định pháo 2E28M cho phép pháo bắn chính xác khi xe đang di chuyển ở tốc độ 25km/h.
Pháo có thể bắn nhiều loại đạn như đạn xuyên APFSDS-T BM-42M (tầm bắn hiệu quả 3.000m, xuyên giáp từ 590-630mm ở cự li 2.000m), đạn nổ mảnh OF-26 (tầm bắn tối đa 5.000m), đạn lõm chống tăng HEAT-MP BK-29M (tầm bắn tối đa 3.000m, xuyên giáp từ 650-750mm), đạn lõm chống tăng BK-27 (tầm bắn tối đa 3.000m, xuyên giáp từ 700-800mm).
Đặc biệt, phiên bản T-72B năm 1985 còn có thể bắn các đạn tự hành diệt tăng 9M119 Svir (tên mã định danh NATO là AT-11), có tầm bắn 4.000m, xuyên giáp 800mm (hoặc xuyên 700mm giáp sau khi xuyên qua giáp phản ứng nổ ERA). Phiên bản 9M119 mang đầu nổ kép tandem có thể xuyên giáp đến 870mm (hoặc xuyên 800mm sau khi xuyên qua giáp ERA).
Với uy lực của mình, T-72 thực sự là mối đe dọa với Mỹ và NATO vào thời điểm đó.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1
Xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ tháng 11-1967, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Liên Xô đã gây bất ngờ lớn với phương Tây. Xe nặng 13 tấn, dài 6,74m, rộng 2,94m và cao 2,15m.
Với động cơ diesel UTD-20 công suất 300 mã lực, xe có thể đạt tốc độ tối đa 65km/h, bơi với tốc độ 7km/h, tầm hoạt động 600km. Xe có thể leo dốc 30%, vượt vách đứng cao 0,7m, vượt hào rộng 2,2m. Giáp của xe khá mỏng, chỉ có thể chống được đạn súng bộ binh (trừ súng chống tăng) và mảnh bom, pháo … song lại có hỏa lực rất mạnh: Pháo nòng trơn 2A28 Grom 73mm, bắn đạn có trợ lực tên lửa với tầm bắn hiệu quả 765m, tốc độ bắn tối đa 10 phát/phút, cơ số đạn 40 viên. BMP-1 cũng được trang bị súng máy đồng trục PKTM, cơ số đạn 2.000 viên và bệ phóng đạn tự hành chống tăng 9M14 Malyutka (tên mã định danh NATO là AT-3).
BMP-1 có kíp xe 3 người, và có thể chở thêm 8 lính bộ binh thường, hợp thành một tiểu đội bộ binh cơ giới tiêu chuẩn. Đây là điểm đặc sắc trong học thuyết quân sự Xô viết. Khác với các xe bọc thép chở quân có vũ trang yếu, chỉ làm nhiệm vụ đưa bộ binh vượt qua bom, pháo cản đường, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đưa bộ binh đến tuyến xuất phát xung phong 300m (tầm bắn hiệu quả của súng bộ binh), sau đó thả quân và bám sát bộ binh, bắn trợ chiến theo yêu cầu bằng tất cả các loại hỏa lực của xe.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 |
Với BMP-1, sức mạnh của bộ binh cơ giới Liên Xô tăng gấp bội: Mỗi tiểu đội đều có pháo 73mm chống công sự kiên cố, có đạn tự hành chống tăng hiệu quả, tạo thành sức mạnh áp đảo đối phương trong chiến đấu. BMP-1 không toàn diện công thủ như xe tăng, nhưng có số lượng lớn và hỏa lực mạnh đủ sức diệt được xe tăng. BMP-1 cũng giải phóng đôi vai người lính khỏi các trang bị nặng nề.
Một lính có thể mang thêm trung liên, súng chống tăng, súng bắn tỉa … bên cạnh khẩu súng trường AK-74 quen thuộc. Súng để trên xe, khi cần có thể lấy ra sử dụng, tùy theo tình huống nhiệm vụ, rất thuận lợi.
BMP-1 cung cấp đầy đủ khả năng bảo vệ, hỏa lực và sức cơ động cao cho bộ binh cơ giới Liên Xô.
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika
Xuất hiện lần đầu năm 1974, nên pháo tự hành 2S1 Gvozdika (hoa cẩm chướng) được Mỹ và NATO gọi là M1974. Được thiết kế trên khung gầm cơ sở của xe thiết giáp đa dụng MT-LB, “hoa cẩm chướng” Gvozdika nặng 15,7 tấn, dài 7,3m, rộng 2,85m và cao 2,4m, với kíp lái 4 người.
Do phải hạn chế trọng lượng và kích thước, để có thể vận chuyển bằng các loại máy bay vận tải quân sự, nên 2S1 chỉ được bọc giáp mỏng từ 15-20mm, đủ để chống lại vũ khí hạng nhẹ và mảnh bom, pháo. Bù lại, với động cơ diesel JMZ-238M công suất 300 mã lực, 2S1 có tính việt dã cao, đạt tốc độ tối đa 60km/h, bơi với tốc độ 5km/h, vượt lũy cao 0,8m, hố sâu 2,2m và có tầm hoạt động lên đến 500km.
Vũ khí chính của 2S1 là lựu pháo D-32 cỡ nòng 122mm, với chiều dài gấp 35 lần cỡ nòng, tốc độ bắn 5 phát/phút, rất hiệu quả trong chống công sự cũng như các mục tiêu khác, kể cả xe tăng. 2S1 bắn được nhiều loại đạn, và thường mang theo cơ số đạn 40 viên gồm 35 viên đạn nổ, phá mảnh và 5 viên đạn nổ lõm chống tăng. Ngoài ra, 2S1 còn có một súng máy 7,62mm với 300 viên đạn. Kíp lái được hỗ trợ bởi kính ngắm PG-2 và kính ngắm quang học dẫn bắn trực tiếp OP5-37.
Pháo tự hành 2S1 Gvozdika |
Để chống tăng, 2S1 sử dụng đạn nổ lõm với đầu đạn BP-1, sơ tốc đầu đạn 740m/s, tầm bắn 2km, xuyên giáp 180mm. Khi bắn đạn đạn nổ, tầm bắn tối đa là 15km. Khi sử dụng kiểu đạn tăng tầm, tầm bắn đạt tới 21,9km.
Các pháo tự hành như 2S1 Gvozdika là một phần quan trọng của các đơn vị bộ binh cơ giới hay tăng-thiết giáp, đảm nhiệm trọng trách bắn chế áp, bắn phá hoại công sự kiên cố của địch. Mỗi sư đoàn xe tăng Liên Xô được biên chế 36 pháo tự hành 2S1, trong khi mỗi sư đoàn bộ binh cơ giới có 72 xe.
Pháo tự hành 2S3 Akatsiya
Khác với 2S1 Gvozdika chú trọng tính cơ động cao, 2S3 Akatsiya (hoa phượng trắng) đề cao sức mạnh hỏa lực. Trong mỗi sư đoàn xe tăng, bộ binh cơ giới Liên Xô thường được biên chế 18 pháo tự hành 2S3 Akatsiya. Mỹ và NATO định danh 2S3 Akatsiya là M1973, dựa theo năm xuất hiện của loại pháo tự hành này.
Pháo tự hành 2S3 Akatsiya được thiết kế trên khung gầm xe bánh xích GM-123 và GM-124. 2S3 nặng đến 25 tấn, dài 8,4m, rộng 3,2m và cao 2,8m, với kíp lái 4 người. Tuy nặng hơn 2S1, nhưng 2S3 cũng có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải An-22. Lớp giáp của 2S3 cũng mỏng tương tự 2S1 với cỡ 15-20mm đủ chống vũ khí hạng nhẹ, mảnh đạn pháo.
Với động cơ diesel V-12 công suất 520 mã lực, 2S3 có thể đạt tốc độ tối đa 55km/h, vượt lũy cao 1,1m, hố sâu 2,5m và có tầm hoạt động lên đến 300km.
Pháo tự hành 2S3 Akatsiya |
Vũ khí chính của 2S3 là pháo D-22 cỡ nòng 152mm, cơ số đạn 40 viên với đạn nổ phá OF-540 có thể đạt tầm bắn xa nhất tới 18,5km hoặc với đạn tăng tầm là 24km. Qua thử nghiệm, tốc độ bắn trung bình của 2S3 là 1,9 phát/phút. Khi bắn trực xạ công sự địch, tốc độ bắn tối đa là 3,5 phát/phút. Để đối phó với tình huống chiến tranh hạt nhân, 2S3 Akatsiya được trang bị hệ thống chống vũ khí hủy diệt lớn NBC (xạ sinh hóa), hệ thống chữa cháy tự động để bảo vệ kíp chiến đấu.
Cùng với xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-1, các pháo tự hành như 2S1 Gvozdika hay 2S3 Akatsiya hợp thành bộ ba uy lực của bộ binh cơ giới Xô viết. Xe tăng T-72 chuyên làm nhiệm vụ diệt xe cơ giới, mà đỉnh cao là đấu tăng. BMP-1 là xe trợ chiến, yểm hộ cho bộ binh. Còn 2S1 Gvozdika hay 2S3 Akatsiya là các pháo tự hành có giáp, nhận nhiệm vụ bắn phá công sự, lô cốt của đối phương.