5 lưu ý khi ăn bánh chưng
Bánh chưng là món truyền thống ngày Tết nhưng cũng là 'thủ phạm' gây tăng cân ngày Tết.
Bánh chưng là món ăn truyền thống ngày Tết, cũng là món khoái khẩu của nhiều người vì nó được phối hợp tổng hòa nhiều mùi vị như thơm dẻo của gạo nếp, ngọt bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ và mùi thơm đặc trưng của tiêu, hành, lá dong. Đây là sự kết hợp tương đồng rất khoa học và sáng tạo phù hợp nhu cầu dinh dưỡng nhiều lứa tuổi.
PGS Nguyễn Anh Tuấn – Chuyên khoa ngoại tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết bánh chưng là món ăn truyền thống có ở tất cả các gia đình Việt ngày Tết, nhưng nó cũng khiến nhiều người đau đầu sau Tết vì nó là 'thủ phạm' gây tăng cân vù vù.
PGS Tuấn cho biết về dinh dưỡng bánh chưng rất nhiều năng lượng. Bánh chưng có thành phần dinh dưỡng cao với đủ 4 nhóm thực phẩm: Gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đỗ xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm), hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất).
Nếu 1 chiếc bánh chưng nặng khoảng 1 kg thì cung cấp cho bạn 1800 – 2000 kalo. Một miếng bánh chưng tương đương 1/8 cái bánh tương đương 200 – 300 kalo sẽ bằng bạn ăn 1 bát cơm kèm theo thức ăn. Trong khi đó 1 người bình thường mỗi ngày chỉ ăn 2000 kalo, nếu một ngày bạn ăn 1 bánh chưng kèm theo với đủ các thực phẩm khác ngày Tết thì kỳ nghỉ Tết sẽ khiến tình trạng tăng cân nhanh.
Những lưu ý khi sử dụng bánh chưng, theo PGS Tuấn, với những người có tiền sử tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường nên hạn chế ăn bánh chưng. Người bị mỡ máu không nên ăn bánh chưng mặn, người bị tiểu đường không ăn bánh chưng ngọt và không nên ăn bánh chưng nguội đối với những người có chức năng tỳ vị không tốt. Nếu thích cũng chỉ nên ăn một lát bánh chưng thật mỏng và không dùng thêm các thức ăn nhiều tinh bột và đạm, béo khác như cơm, xôi, bánh mỳ; thịt... Nên uống nhiều nước đồng thời tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây để cân đối dinh dưỡng.
Ảnh minh hoạ. |
Đặc biệt là ăn bánh chưng kèm dưa hành sẽ khiến bạn ăn nhiều nên bạn hết sức cảnh giác.
Thứ nhất, phụ nữ mang thai hạn chế ăn bánh chưng vì bánh chưng gây khó tiêu kèm theo táo bón.
Thứ hai, bánh chưng có gạo nếp và đỗ xanh, những thực phẩm không tốt cho người đau dạ dày, vì 2 nguyên liệu này dễ khiến người bệnh bị đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu,… Vì vậy, người có tiền sử bị đau dạ dày không nên ăn quá nhiều đồ nếp cũng như bánh chưng để tránh gặp phải những tình trạng khó chịu kể trên.
Thứ ba, hạn chế ăn bánh chưng rán vì vốn dĩ bánh chưng quá nhiều năng lượng nếu bạn ăn bánh chưng rán làm cho khối lượng mỡ ăn vào quá nhiều. Bánh chưng rán lại dễ ăn, ăn nhiều hơn bánh chưng thường nên vô tình sẽ làm tăng cân hơn.
Thứ tư, dù bạn có thích ăn bánh chưng thì cũng chỉ ăn 1/8 miếng bánh chưng một ngày. Khi ăn bánh chưng xong bạn không nên ăn các loại tinh bột khác như xôi, cơm, miến, bún, phở.
Tốt nhất nên ăn bánh chưng vào buổi sáng, buổi trưa, không nên ăn bánh chưng vào buổi chiều, tối vì bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, không nên ăn vào buổi tối để tránh bụng bị khó chịu, gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Mặt khác do bánh chưng chứa nhiều năng lượng đặc biệt là tinh bột nếu ăn tối sẽ chuyển hoá thành mỡ nhanh hơn sẽ khiến bạn bị tăng cân.
Thứ năm, bánh chưng để lâu dễ bị nấm mốc, lên men vì vậy khi bánh chưng mốc bạn không nên ăn nữa vì nó bị nấm mốc thâm nhập vào cơ thể gây độc tố ảnh hưởng cho sức khoẻ của bạn. Nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh để hạn chế lên men, mốc.
Để hạn chế tăng cân trong dịp Tết thì bạn nên định lượng lượng bánh chưng ăn mỗi ngày để không phải đau đầu lo giảm cân sau Tết. Để giảm năng lượng, giảm chất béo, nên gói bánh chưng với thịt lợn nạc, gói loại bánh nhỏ, hạn chế ăn chiên rán.
Khánh Chi