45,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Đó là con số được báo cáo tại Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức vào sáng 26/12.
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu gây khủng khoảng y tế và xã hội. Tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4 năm 2021 tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2021 đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540 nghìn người bị mất việc; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp, với 4 nguyên tắc cơ bản: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch…
Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách, lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động. Trung bình 1.200 cuộc gọi/ngày; có ngày cao điểm lên đến 1.500 cuộc gọi/ngày.
Đồng thời, cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; thiết lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên cổng thông tin điện tử của Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện; mở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến…
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời, kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.
Khôi Nguyên