Xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục, giữ vị trí dẫn đầu thế giới
Trong 11 tháng của năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt hơn 6,68 triệu tấn, tương đương hơn 3,24 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm trước.
Đây là kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và gạo tiếp tục là mặt hàng tỷ đô của nông sản Việt Nam.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, những năm gần đây, việc chủ động từ sản xuất đến chế biến đã nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam.
Hầu hết các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu đã đưa giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất, nên sản phẩm gạo của Việt Nam cùng chủng loại với gạo Thái Lan được nhiều thị trường lựa chọn. Không ít các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo sang châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore với giá cao.
Ngành gạo Việt Nam trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Mỹ tăng khoảng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 vượt 6,5 triệu tấn, mức giá cao hơn Thái Lan, Ấn Độ.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh những năm gần đây và năm 2022 duy trì ở mức cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong năm 2022, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, thì Việt Nam ghi nhận mức 447 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 7 USD/tấn.
Bộ NN&PTNT đánh giá, xuất khẩu gạo cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ NN&PTNT đang tăng cường khảo sát và xây dựng các vùng trồng bảo đảm chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng trồng lúa gắn với hình thành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như mã vùng, liên kết, thẩm định… nhằm bảo đảm tiêu chuẩn về xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung giảm, nhu cầu tăng cao đến từ châu Phi và một số nước châu Á là yếu tố khiến thị trường gạo bước vào đợt tăng giá vào đầu năm 2023.
Nguồn cung giảm đã khiến Cơ quan Thu mua Lương thực Bulog (Indonesia) khẩn cấp nhập khẩu 200.000 tấn gạo trong tháng 12 từ Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Pakistan, và sẽ nhập khẩu thêm 300.000 tấn vào đầu năm 2023.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế và USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2023 sẽ thấp hơn khoảng 10 triệu tấn so với 2022. Trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm hơn 12 triệu tấn, còn theo các nhà phân tích thương mại sản lượng gạo toàn cầu có thể giảm gần 14 triệu tấn. Điều này có thể gây ra một đợt tăng giá mới trên thị trường gạo toàn cầu.
Tại hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long" do NHNN phối hợp cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 13/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả,... để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.
Hiền Anh