40% hiệu thuốc Y học cổ truyền được khảo sát bán mật gấu
![]() |
Vẫn có 40% hiệu thuốc được khảo sát bán mật gấu |
Đây là kết quả từ một nghiên cứu của Tổ chức TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã đã chỉ ra rằng tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép gấu còn sống cũng như các bộ phận và dẫn xuất của chúng vẫn diễn ra mạnh mẽ và chỉ sụt giảm đôi chút sau lệnh cấm buôn bán các sản phẩm này vào năm 2006.
Theo báo cáo tổng hợp số liệu từ các khảo sát được tiến hành tại sáu thành phố dọc Việt Nam vào năm 2012 và 2016, tiếp nối một khảo sát trước đó của TRAFFIC tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á vào năm 2010 – 2011 cho thấy, trong những năm 90, các trang trại gấu được mở ra ở khắp Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu đang tăng của người tiêu dùng. Vào năm 2005, việc chiết xuất mật gấu chính thức bị coi là vi phạm pháp luật. Tại thời điểm đó, vẫn chưa có kế hoạch để giải quyết hàng ngàn cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại. Vì vậy nhiều trang trại gấu vẫn duy trì hoạt động dưới danh nghĩa bảo tồn gấu mặc dù các gấu tại các trang trại này phải được đăng ký và gắn chíp điện tử.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể từ năm 2006, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, mua, bán, sử dụng gấu, các bộ phận và dẫn xuất của chúng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của TRAFFIC đưa ra bằng chứng về việc hàng loạt sản phẩm từ gấu vẫn được bán trên thị trường. 40% trong số 70 hiệu thuốc Y học cổ truyền (YHCT) được khảo sát tại sáu thành phố tại Việt Nam vào năm 2016 có bán mật gấu. Đây là một sự giảm nhẹ so với 56% hiệu thuốc YHCT có bán mật gấu theo khảo sát năm 2012. Sản phẩm được bán nhiều nhất là mật gấu tươi, đa phần được quảng cáo là có nguồn gốc từ các trang trại gấu trong nước.
Sản phẩm có giá cao nhất là túi mật gấu. Từ năm 2012 đến năm 2016, số hiệu thuốc YHCT có bán túi mật gấu giảm từ 12 xuống còn hai hiệu thuốc. Tuy nhiên, cả hai hiệu thuốc này đều không có sẵn túi mật gấu mà cần phải đặt hàng. Các hiệu thuốc YHCT đều quảng cáo túi mật gấu có nguồn gốc từ gấu trong tự nhiên ở Việt Nam, Lào, Nga và Thái Lan. Người tiêu dùng được cho là sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, thậm chí gấp đôi giá, cho các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc vừa mới được khai thác.