30 năm hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong tìm kiếm binh lính mất tích
Tối ngày 12/12 tại Hà Nội, Cơ quan tìm kiếm người mất tích Việt Nam và Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) đã phối hợp cùng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Đông Nam Á.
Tham dự lễ kỷ niệm có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn McClelland; Phó Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác MIA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: NH |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Đại sứ Hoa Kỳ, bà Caryn McClelland đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam. “Kể từ đợt hoạt động hỗn hợp lần đầu tiên, hai nước chúng ta đã hoàn thành điều mà hai cựu đối thủ hiếm khi làm; chúng ta gạt sang một bên những khác biệt để thực hiện sứ mệnh cao quý này. Các đội hỗn hợp đã điều tra và khai quật hàng nghìn hiện trường trên khắp Việt Nam trong việc theo đuổi các mục tiêu nhân đạo chung của chúng ta. Nỗ lực hợp tác này đã giúp làm dịu nỗi đau cho nhiều gia đình khi những người thân được trở về”, bà McClelland nhấn mạnh.
Phó Đại sứ Mỹ cũng cho rằng lễ kỷ niệm này là cơ hội để ghi nhận sự hy sinh của những người lính đã ngã xuống và gia đình họ, cũng như để ghi nhớ đến sự hàn gắn và hiện chí có thể có được khi hai quốc gia hợp tác để giải quyết các di sản đau buồn của chiến tranh. Bà McClelland chắc chắn rằng nhiệm vụ kiểm kê POW/MIA đã đóng vai trò như một cây cầu giúp xây dựng sự kết nối chặt chẽ của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2018 đánh dấu 5 năm hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện trên 9 lĩnh vực trụ cột và đang hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hợp tác MIA là một trong những cầu nối ban đầu giúp hai bên hiểu biết nhau hơn và cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho thành công chung của quan hệ hai nước. Đến nay chưa có một lĩnh vực hợp tác song phương nào trong quan hệ Việt - Mỹ đạt được tầm mức quy mô, phạm vi và thời gian phối hợp lâu dài, sâu sắc như hợp tác về MIA. Thêm vào đó, việc tìm lại hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh cũng góp phần mang lại sự an bình cho nhiều gia đình, giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo và văn hóa của nhau.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Phó Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz cũng gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự biết ơn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và đặc biệt là Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích, trong hơn ba thập kỷ làm việc với Hoa Kỳ để bắt đầu, rồi sau đó mở rộng hợp tác nhân đạo để có được như hôm nay.
Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz cho rằng, thành công mà Hoa Kỳ có được cũng là kết quả trực tiếp có sự tham gia của các cựu chiến binh và công dân Việt Nam, những người đã cung cấp thông tin nhân chứng trực tiếp và lời chứng thực liên quan đến các sự kiện tổn thất, đưa đến các hoạt động khai quật có kết quả. Nhất là khi lời kể của các nhân chứng đã cung cấp thông tin quan trọng về các địa điểm chôn cất đơn lẻ, một trong những loại hiện trường khó xác định nhất.
“Hàng ngàn công dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ các đội của Hoa Kỳ tại các hiện trường khai quật – sự làm việc nỗ lực của họ đã góp phần vào thành công chung cho sứ mệnh của chúng ta”, Chuẩn Đô đốc khẳng định.
Ông Jon Kreitz cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam vì sự hợp tác đặc biệt của các cơ quan bộ ngành Chính phủ tới địa phương, cùng nhân dân Việt Nam đã giúp Hoa Kỳ có thể hoàn thành sứ mạnh nhân đạo này.
“Trong khi nhiệm vụ kiểm kê POW/MIA bắt nguồn từ sự đối đầu trong chiến tranh, quan hệ đối tác mạnh mẽ được tôi luyện từ hợp tác nhân đạo của chúng ta sẽ tiếp tục được xem như là biểu tượng của tình hữu nghị giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hoa Kỳ”, Chuân Đô đốc nhấn mạnh.
Lễ trao trả hài cốt binh lính Mỹ lần thứ 147 tại Đà Nẵng ngày 11/12 vừa qua. Nguồn: ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, việc thành lập các cơ quan tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh chứng tỏ khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước, thể hiện tầm nhìn xa của hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoạt động tìm kiếm trong suốt 30 năm qua không chỉ giúp khắc phục những hậu quả của chiến tranh, mà còn mở rộng cánh cửa hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa hai bên cũng mang lại hiệu quả trong các hoạt động khác như rà phá bom mìn, làm sạch chất độc dioxin, đóng góp cho hòa bình trên thế giới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cảm ơn Chính phủ, người dân, các cơ quan liên quan và các địa phương của hai nước đã giúp hoạt động MIA được triển khai hiệu quả; đồng thời bày tỏ tri ân những người Mỹ và Việt Nam đã thiệt mạng trong sứ mệnh tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Kết thúc buổi lễ, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương cho các cán bộ Việt Nam, các chuyên viên Hoa Kỳ và các cơ quan, địa phương đã có nhiều đóng góp cho hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh.
Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP) được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau khi Hiệp đình Hòa bình Paris năm 1973 được ký kết, và được giao nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích. Năm 1988, Chính phủ Việt Nam cho phép một nhóm chuyên gia của Hoa Kỳ tham gia hoạt động tìm kiếm và khai quật được đánh số đầu tiên.
Kể từ đó, các nhân viên điều tra, khai quật và khoa học của Hoa Kỳ và Biệt Nam đã tham gia 133 đợt hoạt động hỗn hợp, trong đó một đợt hoạt động đã bị hủy bỏ do lũ lụt nghiêm trọng ở miền trung Việt Nam, và một đợt hoạt động khác bị hủy vì vụ tai nạn máy bay trực thăng thảm khốc trong đó 16 thành viên Hoa Kỳ và Việt Nam cùng phi hành đoàn trực thăng thiệt mạng.
Vào thời điểm kết thúc chiến tranh, 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Hoa Kỳ được coi là mất tích ở Việt Nam. Kể từ đó, hài cốt của 726 người đã được xác định và trao trả cho thân nhân của họ. Hai cơ quan đang tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm 1.247 người còn lại.