3 trẻ thủng dạ dày nghi do lạm dụng thuốc trị Covid-19
Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết đã điều trị khỏi cho 3 bệnh nhi bị thủng dạ dày khi mắc Covid-19.
Theo đó, cả 3 bệnh nhi đều nhập viện với triệu chứng đau bụng, sốt, nôn khi đang mắc Covid-19.
Trước đó, Bệnh viện Trẻ em hội chẩn từ xa một bệnh nhi 10 tuổi ở Tiên Lãng, Hải Phòng dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhi này có biểu hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn. Theo hình ảnh chụp X-quang, bệnh nhi có liềm hơi dưới vòm hoành 2 bên. Bé được chẩn đoán bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày/mắc Covid-19.
Bệnh viện này sau đó cũng tiếp nhận hai bệnh nhi khác mắc Covid-19 với triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn và có kết quả thủng dạ dày tương tự.
Các em được cấp cứu, phẫu thuật nội soi, khâu lỗ thủng dạ dày, dẫn lưu ổ bụng song song điều trị Covid-19. Đến nay, các bệnh nhi đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Hình ảnh thủng dạ dày. |
Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị thủng dạ dày có liên quan việc sử dụng thuốc khi trẻ mắc Covid-19. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc chống viêm khi chưa có chỉ định.
Theo các bác sỹ, bệnh nhân bị thủng dạ dày phải được cấp cứu khẩn cấp, đòi hỏi chẩn đoán và xử trí kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Thủng dạ dày ít gặp ở trẻ em, dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý ngoại khoa cấp tính khác như viêm ruột thừa, tắc ruột.
Theo Ths.BsCKI Nguyễn Minh Hải – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng thủng dạ dày là một cấp cứu khẩn cấp đòi hỏi phải chẩn đoán và xử tri kịp thời nếu không có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, muộn bệnh có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc, nguy hiểm tính mạng.
Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa ít gặp ở trẻ em nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý ngoại khoa cấp tính khác như Viêm ruột thừa, tắc ruột…
Triệu chứng chủ yếu bao gồm: đau bụng dữ dội vùng trên rốn, Nôn, kích thích dữ dội.. khi đến muộn có biểu hiện sốt, cơ thành bụng co cứng và chướng dần, nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa phủ tạng…
Nguyên nhân thủng dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng gồm 3 nhóm nguyên nhân:
Sang chấn tâm lý - Stress (nguyên nhân này thường gặp ở người lớn). Sử dụng thuốc chống viêm không Steroid không đúng cách. Đặc biệt là viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) đang có xu hướng ngày càng gia tăng do thói quen ăn uống không khoa học.
Do vậy, Bệnh viện khuyến cáo các bậc phụ huynh:
Không nên tự ý sử dụng các thuốc chống viêm không Steroid (presnisolone, dexamethazon…) khi chưa có chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa, các thuốc này thường thấy trong các gói thuốc không nhãn mác mà một số hiệu thuốc tự bán cho bệnh nhân mà không có đơn thuốc của bác sĩ.
Tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học ( không bỏ bữa sáng, không ăn quá nhiều đồ chua cay.
Tránh quá gây áp lực kết quả học tập cho trẻ, trẻ không thức khuya quá.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ nên cho trẻ đến viện kiểm tra ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Việc sử dụng thuốc bừa bãi khi trẻ mắc Covid-19 đã được cảnh báo rất nhiều song tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên.
Các bác sĩ cho biết lạm dụng kháng sinh còn có thể gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy ở trẻ.
BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – TP.HCM cho rằng trong giai đoạn này trẻ nhiễm Covid-19 cha mẹ đừng hoang mang, trẻ nhiễm hầu như không nặng (chỉ cần cần lưu tâm trẻ có bệnh nền).
Cha mẹ hãy theo dõi để phát hiện trẻ diễn tiến không tốt để biết khi nào cần nhập viện và hãy đến bệnh viện có chuyên khoa nhi. Cho trẻ uống hạ sốt khi sốt, uống nhiều nước. Các thuốc kháng viêm, kháng đông và kháng virus chỉ dùng khi bác sĩ chỉ định.
Thuốc cha mẹ cần chuẩn bị đó là thuốc điều trị bệnh nền cho trẻ, phải duy trì thuốc này. Đừng ngưng khi chưa có ý kiến của bác sĩ, nhiều phụ huynh tự ngưng thuốc và bệnh nền nặng lên.
Trẻ có thể có các triệu chứng như sốt nên cần thuốc hạ sốt (thuốc cũng có tác dụng giảm đau họng hay đau cơ); khi trẻ ho có thể cho thuốc ho dạng thảo dược.
Phương Thúy