3 ca nhiễm Covid-19, 41 nhân viên y tế thành F2, chuyên gia lưu ý Hà Nội điều gì?
41 nhân viên y tế, 17 bệnh nhân ở BV Phụ sản T.Ư thành F2, trong khi đó các chuyên gia lo ngại thêm số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội trong cộng đồng.
3 ca nhiễm Covid- 19 ở Hà Nội, PGS. TS Trần Đắc Phu lưu ý điều gì? |
Chiều 30/4, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết liên quan đến 2 ca bệnh mới tại khu công nghiệp ở Đông Anh, Hoàn Kiếm cũng đã ghi nhận một số trường hợp F1 và F2.
Đáng chú ý, do có 1 F1 của BN2928 (N.H.N, nữ, 25 tuổi, trú tại thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, H.Đông Anh, là công nhân tại Công ty TNHH Panasonic, F1 của BN2911, tiếp xúc trong một bữa ăn ngày 26/4) đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.
Do đó, 17 bệnh nhân và 41 nhân viên y tế BV Phụ sản T.Ư liên quan đến F1 này đã trở thành F2.
Như vậy, trên địa bàn quận có 58 F2, đã được lấy mẫu, phun khử khuẩn. F1 đã được chuyển về cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố; các F2 đang được theo dõi tại chỗ.
Tại cuộc họp, PGS TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, đúng hướng, hiệu quả.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần thống nhất lại quan điểm ứng phó với dịch bởi không có đợt nào giống đợt nào. Bởi WHO đang cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc nóng lòng có miễn dịch cộng đồng và muốn tháo gỡ dần việc hạn chế các lễ hội đông người sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ.
Ông Phu phân tích, các chủng virus cần quan tâm hiện nay bởi lây lan nhanh là chủng của Anh (B117), chủng Nam Phi, chủng Ấn Độ… và nêu rõ, các ổ dịch ở Việt Nam, dù có ở đâu về cũng thuộc loại lây lan nhanh.
“Các tỉnh có ca bệnh, Hà Nội cũng có ca bệnh bởi đặc thù giao lưu quá lớn, đợt này nguy cơ cao khi có dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Nhưng chúng ta có thể tự tin vì Hà Nội đã xét nghiệm diện rộng cả ngoài cộng đồng và trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên không thể lơ là vì tốc độ virus hiện nay lây lan nhanh. Cứ làm thế này, Hà Nội có thể tự tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, việc cần làm của Hà Nội lúc này là cần truy vết hết F1, F2 và “khó mấy cũng phải làm, làm phải thật nhanh, không để lây lan. Hà Nội đã có kinh nghiệm truy vết, nhất là lực lượng Công an. Sau đó, khoanh vùng càng gọn càng tốt theo điều tra dịch tễ. Muốn tốt thì phải điều tra dịch tễ tốt. Xác định rõ thì mới khoanh vùng nhỏ được”
TP cũng cần xét nghiệm trên diện rộng ở thôn, xã có ca bệnh và tiếp tục xét nghiệm ở các khu vực có nguy cơ để có phương pháp chống dịch phù hợp.
“Việc phát hiện các ổ dịch khác phải tiến hành song song lúc này. Đặc biệt chú ý các trường hợp sốt (như phát hiện ca bệnh ở Hà Nam), các cơ sở y tế phải đặc biệt lưu ý. Đặc biệt cần rà soát các khu cách ly, thực hiện nghiêm 5k…
“Khai báo y tế trên phương tiện giao thông rất quan trọng để phục vụ truy vết lúc cần”, ông Phu nói thêm.
Bổ sung thêm đề xuất các giải pháp cho thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần khẩn trương truy vết các trường hợp F1 và F2 của các ca bệnh mới, đặc biệt là các bệnh nhân tại khu công nghiệp.
Trong đó, Hà Nội cần coi các trường hợp trong phân xưởng là F1, lập danh sách các trường hợp người lao động đã đi các tỉnh, thành phố khác để các tỉnh, thành phố khác nhanh chóng truy vết.
Ngoài ra, các khu công nghiệp có trường hợp F0 cần khẩn trương triển khai phương án phòng, chống dịch khi người lao động quay trở lại làm việc và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng nhấn mạnh, Hà Nội sẽ theo sát các trường hợp F0, F1, F2. Hiện các trường hợp F1 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm theo công thức 4-6 (4 giờ lấy mẫu và 6 giờ có kết quả xét nghiệm) để bảo đảm việc truy vết; các quận, huyện, thị xã kích hoạt lại các tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng. Sở Y tế cũng đã đề nghị UBND thành phố mở thêm khu cách ly tập trung để bảo đảm cho việc thực hiện cách ly các ca F1 trên địa bàn.
Tại Yên Bái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu tất cả các chuyên gia Ấn Độ và một trường hợp là nhân viên làm việc tại khách sạn Như Nguyệt 2 để tiến hành làm xét nghiệm giải trình tự gene
Kết quả ngày 30/4 cho thấy: Tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn thuộc biến thể hiện đang lưu hành và gây bệnh tại Ấn Độ. Cụ thể là biến thể B.1.167.2.
N. Huyền