24 tuổi 'đèn đỏ' phập phù rồi tắt hẳn, cô gái sốc nặng khi biết mình muốn làm mẹ phải thực hiện việc khó khăn này
24 tuổi, 'đèn đỏ' phập phù rồi tắt hẳn, cô gái ngỡ mình bị hậu Covid-19. Cô tái mặt khi biết bị suy buồng trứng sớm, muốn sinh con phải xin trứng để thụ tinh.
Kết hôn một năm nhưng không có con, H. (29 tuổi) đến Bệnh viện Nam học và hiếm muốn Hà Nội khám. Tại đây, cô được chẩn đoán bị suy buồng trứng. Cách duy nhất để có con là xin trứng sau đó làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng.
Đây là một trong số nhiều phụ nữ bị suy giảm buồng trứng. Thông thường phụ nữ ở độ tuổi 40-50 mới mãn kinh, suy buồng trứng.
Tuy nhiên theo ghi nhận của các bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn, ngày nay, nhiều phụ nữ tuổi 30, thậm chí mới hơn 20, đã suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.
Ảnh minh hoạ |
Đa phần họ đến bệnh viện khám vì rối loạn kinh nguyệt, kết hôn lâu không có con, hoặc đã có một con muốn sinh con thứ hai nhưng không thụ thai. Khi được chẩn đoán suy giảm buồng trứng sớm, hầu hết phản ứng của họ là rất sốc, giải pháp là đều phải kích trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.
Trường hợp L.A (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Mới 24 tuổi, chưa kết hôn. Gần đây cô gái thấy bị rối loạn kinh nguyệt rồi mất kinh. Ban đầu cô nghĩ do rối loạn nội tiết, rồi có thể do hậu Covid-19 nhưng tình trạng 'đèn đỏ' phập phù rồi tắt hẳn khiến cô gái lo lắng.
Cô tái mét mặt, không tin vào tai mình khi bác sĩ chẩn đoán bị suy buồng trứng sớm do kết quả xét nghiệm AMH rất thấp, kích trứng không đáp ứng. Tương tự như H., cô gái này muốn sinh con cũng phải xin trứng để thụ tinh.
Bs.CKI Hồ Văn Thắng, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của phụ nữ với hai chức năng cơ bản: nội tiết để sản xuất ra các hormon sinh dục, quy định các đặc tính sinh dục – sinh lý nữ và ngoại tiết để sản xuất trứng phục vụ cho quá trình sinh sản.
Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp cho người phụ nữ có đời sống tình dục, sinh lý và sinh sản bình thường.
“Đối với đàn ông, tinh trùng được sản xuất liên tục từ lúc dậy thì nên đời sống sinh sản của người đàn ông rất dài, thậm chí đến tuổi già nếu vẫn quan hệ được. Thì người phụ nữ lại thiệt thòi hơn khi ngay từ lúc còn là bào thai khoảng 20 tuần, sự phân chia gia tăng số lượng trứng ở hai buồng trứng đã dừng lại và mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu trứng.
Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì số lượng trứng sẽ còn khoảng 300.000 – 400.000 trứng. Và theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho dự trữ buồng trứng thấp dần.
Thường là sau 45 tuổi lượng trứng giảm đến mức cạn đáy và phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Khi đó người phụ nữ không còn khả năng sinh sản đồng thời sự sản xuất các hormone sinh dục nữ giảm sút làm suy giảm các hoạt động sinh lý nữ.
Tuy nhiên suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hoá trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Đây là một nguyên nhân vô sinh rất thường gặp”, BS Thắng thông tin.
Dấu hiệu suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với các dấu hiệu điển hình: rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục, khô rát âm đạo, xuất hiện các cơn bốc hoả (nóng bừng mặt, hay đổ mồ hôi trộm), khó tập trung, dễ kích động, …
BS Thắng cho biết có nhiều trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ không có triệu chứng gì, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi thăm khám vì hiếm muộn.
Đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây nhiều trường hợp suy buồng trứng sớm do bệnh nhân sử dung bừa bãi các loại thuốc lá – thảo dược không rõ nguồn gốc, do lạm dụng các loại thuốc kích thích buồng trứng.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể cải thiện suy buồng trứng hay dừng quá trình suy buồng trứng ở phụ nữ. Các điều trị chủ yếu với mục đích giải quyết các triệu chứng của bệnh và điều trị hiếm muộn.
Theo BS Thắng, nếu một người phụ nữ chỉ bị suy giảm buồng trứng mức độ nhẹ, buồng trứng còn nang trứng dự dữ và hoạt động phát triển, rụng trứng vẫn diễn ra thì vẫn có cơ hội có thai tự nhiên.
Tuy nhiên vì hoạt động chức năng buồng trứng kém, sự phát triển, rụng trứng không thường xuyên nên tỷ lệ có thai tự nhiên thấp, chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị gì.
“Còn lại đa số cần nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản sớm sẽ giúp tăng khả năng có thai và giảm chi phí đều trị vì quá trình suy buồng trứng vẫn liên tục tiếp diễn.
Các trường hợp buồng trứng suy nặng không còn nang trứng dự trữ, buồng trứng đáp ứng kém để có thai cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xin trứng”, BS Thắng thông tin.
Nhằm mang đến cơ hội hiện thực hoá ước mơ làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng cũng như tiếp sức cho các gia đình trong hành trình tìm tiếng cười trẻ thơ, từ ngày 16/05/2022, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Tuần Lễ Vàng – Ươm mầm hạnh phúc” năm 2022.
Theo đó, Bệnh viện sẽ hỗ trợ 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Từ ngày 29/04/2022, Bệnh viện sẽ chính thức nhận hồ sơ xét duyệt TTTON miễn phí cho chương trình hỗ trợ năm nay.
Thời gian nhận hồ sơ xét duyệt diễn ra trong vòng 1 tháng kể từ ngày thông báo. Kết quả xét duyệt không phụ thuộc vào thời điểm gửi hồ sơ và kết quả sẽ được đánh giá công tâm bởi hội đồng chuyên môn của Bệnh viện.
N. Huyền