YouTube vẫn cố gán quảng cáo Việt trên clip độc hại, phớt lờ cảnh báo của Bộ TT&TT
YouTube phải chịu trách nhiệm chính về việc gán quảng cáo trên các clip có nội dung xấu độc. Ảnh có tính minh họa Internet |
Theo đại diện của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trong tuần qua, mặc dù YouTube đã nhận được cảnh báo từ nhiều nhãn hàng, đại lý quảng cáo về tình trạng vẫn để cho hệ thống tự động gắn quảng cáo trên các video có nội dung xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam mà vẫn không có giải pháp hiệu quả để bảo vệ các thương hiệu Việt Nam.
“Bằng chứng là 10 ngày sau khi Cục PTTH&TTĐT công bố 21 nhãn hàng bị gán quảng cáo trên các clip phản động, thì tiếp tục đến ngày 19/6/2019, Cục PTTH&TTĐT vẫn phát hiện thêm 40 nhãn hiệu khác bị gắn quảng cáo trên video xấu độc. Việc quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu bị gán trên các clip có nội dung xấu trách nhiệm chính thuộc về YouTube. YouTube với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo phải đảm bảo khả năng quản lý để giải quyết dứt điểm được tình trạng này”, đại diện Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh.
Ngày 19/6/2019, Cục PTTH&TTĐT đã tiếp tục công bố danh sách 40 nhãn hãng mới bị phát hiện vẫn bị YouTube gắn quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc. Đây là lần thứ 2 trong tháng này Cục đưa ra cảnh báo, trước đó ngày 10/6/2019, Cục PTTH&TTĐT đã công bố 21 nhãn hàng có gán quảng cáo trong các clip có nội dung chống phá nhà nước. Cùng với việc công bố danh sách các nhãn hàng đang trả tiền quảng cáo cho YouTube, nhưng hình ảnh quảng cáo lại xuất hiện trên các clip có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT đã có văn bản gửi trực tiếp tới từng nhãn hàng, công ty để yêu cầu dừng quảng cáo trong clip có nội dung xấu độc, đồng thời yêu cầu các công ty này phải báo cáo giải trình với Cục.
Theo báo cáo giải trình của các doanh nghiệp bị gán quảng cáo vào các clip có nội dung phản động, các thương hiệu lớn giải thích rằng việc xuất hiện quảng cáo trên YouTube là hình thức quảng cáo theo đuổi khách hàng tiềm năng (remarketing). Về lý thuyết, nhãn hàng không chủ đích đưa quảng cáo lên các kênh YouTube có nội dung bẩn. Trách nhiệm phân phối quảng cáo thuộc về Google. Tuy vậy, YouTube không thực hiện nghiêm túc việc lọc nội dung khiến các quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các kênh có nội dung phản cảm. Khi khách hàng truy cập các website, YouTube…, banner quảng cáo sẽ hiển thị cùng để tiếp cận khách hàng. Do bộ lọc của YouTube chưa hiệu quả triệt để dẫn đến việc các nhãn hàng, thương hiệu lớn xuất hiện quảng cáo trên các clip có nội dung độc hại.
Sau khi được Bộ TT&TT gửi công văn cảnh báo, hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực hợp tác với Cục PTTH&TTĐT gỡ bỏ các quảng cáo trên các video độc hại trên YouTube. Cụ thể, Cục PTTH&TTĐT đã nhận được giải trình của 16 công ty, bao gồm: VNG, Samsung Vina, FPT shop, Yamaha, Công ty CP Dược phẩm Thái Minh, Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI, Grab, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, Cty TNHH máy móc Đại Chính Quang, Công ty CP Truyền thông xu hướng số, Shopee, Công ty Clever Ads, Công ty Watsons Việt Nam, Công ty Adsota, Công ty Đức Nhân (nhà hàng Hoa Quỳnh), Gà rán Popeyes (Cty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam).
“Toàn bộ các công ty này đều xác nhận sau khi nhận được thông tin từ Cục PTTH&TTĐT đã ngay lập tức dừng quảng cáo trên YouTube và yêu cầu YouTube rà soát không để tình trạng hiển thị các quảng cáo trên các clip phản động tái diễn”, nguồn tin từ Cục PTTH&TTĐT cho hay.
Từ đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại và gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.