Yemen: Vùng đất của những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới
Cuộc khủng hoảng an ninh ở Yemen đã chuyển sang một bước ngoặt mới khi hôm 26/3, Ả Rập Xê-út và các đồng minh ở vùng Vịnh đã tiến hành không kích những mục tiêu của nhóm phiến quân Houthi để “bảo vệ và ủng hộ chính phủ hợp pháp” Yemen theo yêu cầu của Tổng thống Abd Rabbuh Mansour Hadi.
Các tay súng thuộc lực lượng phiến quân Houthi xuống đường diễu hành ở khu vực phía tây bắc thành phố Saada của Yemen hôm 26/3. |
Mặc dù là một trong những quốc gia nghèo nhất và xung đột dữ dội nhất ở khu vực Trung Đông, Yemen vẫn nắm giữ tầm quan trọng chiến lược đối với không ít quốc gia láng giềng trong khu vực. Yemen còn là vùng đất ẩn náu của những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới.
Hãng tin RT đã khái quát một số nét quan trọng về đất nước Yemen cũng như những lý do khiến quốc gia này rơi vào vòng xoáy xung đột liên miên.
Vị trí chiến lược
Vùng lãnh thổ nằm bên trong khu vực biên giới của Yemen là một trong những cái nôi của nền văn minh lâu đời nhất ở Trung Đông với tên gọi cổ xưa là "Arabia Felix", có nghĩa là "hạnh phúc" hoặc "may mắn".
Đất đai của Yemen cũng màu mỡ và trù phú hơn những khu vực khác trên bán đảo Ả Rập do lượng mưa hàng năm nhiều hơn. Nhưng do nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt bao gồm trữ lượng dầu mỏ, Yemen hiện là một quốc gia nghèo khó với dân số khoảng 26 triệu người.
Yemen hiện là một trong những quốc gia nghèo khó nhất ở khu vực Trung Đông. |
Song, quốc gia này vẫn nắm giữ một vị trí chiến lược ở khu vực cực tây nam Ả Rập. Theo đó, Yemen nằm dọc theo tuyến đường biển lớn nối châu Âu với châu Á, cũng như nằm gần một số tuyến đường thủy thương mại hoạt động sầm uất nhất trên biển Đỏ.
Mỗi ngày, có tới hàng triệu thùng dầu được chuyên chở qua các tuyến đường này trên hành trình tới Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez cũng như từ các nhà máy lọc dầu ở Ả Rập Xê-út tới thị trường châu Á. Cảng Aden của Yemen được đánh giá là một trong những khu cảng hoạt động nhộn nhịp nhất trên thế giới trong thế kỷ 20.
Quốc gia trẻ
Yemen là vùng đất có lịch sử hình thành cách đây hàng ngàn năm. Tuy nhiên, đất nước Yemen hiện đại vẫn chỉ là một quốc gia trẻ bởi các đường biên giới của nước này mới chỉ được phân định vào năm 1990 sau khi miền Bắc và Nam Yemen thống nhất. Trước đó, người dân ở hai miền đất này liên tiếp giao tranh với nhau.
Bắc Yemen đã thành lập nhà nước Cộng hòa vào năm 1970 sau nhiều năm bùng nổ cuộc nội chiến giữa những người theo chế độ quân chủ và cộng hòa. Và cuộc chiến này ban đầu nhận được sự hỗ trợ từ Ả Rập Xê-út và sau đó là Ai Cập. Ngay cả cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh cũng đã giành quyền lãnh đạo thông qua hành động quân sự và nắm quyền trong hàng thập niên.
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh giành quyền lãnh đạo đất nước bằng hành động quân sự. |
Mặc dù, Nam Yemen đã đồng thuận đã bắt tay với Tổng thống Saleh ở Bắc Yemen vào năm 1990, nhưng họ nhanh chóng quay lại vòng xoáy bất đồng và tiếp tục một cuộc nội chiến mới, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Kết quả, ông Saleh đã giành chiến thắng.
Ngoài những thành phố rộng lớn, Yemen còn có hàng loạt bộ lạc đang tồn tại dưới dạng tự trị. Nhiều người cho rằng số lượng vũ khí ở Yemen hiện còn nhiều hơn cả dân số nước này. Chính vì phần lớn người dân Yemen đều có vũ khí, nên các tay súng trong bộ lạc vẫn thường xuyên chiến đấu chống lại lực lượng quân đội quốc gia. Thậm chí, các bộ lạc còn thực thi luật lệ của riêng mình thay vì hiến pháp quốc gia. Đây chính là lý do giúp lực lượng nổi dậy Houthis nhanh chóng phát triển thành lực lượng phiến quân hùng mạnh nhất tại Yemen.
Bất hòa giữa người Sunni – Shia
Mặc dù, đại đa số người dân Yemen theo đạo Hồi nhưng họ lại bị chia cắt vì đi theo dòng Sunni và dòng Zaidi Shia. Những mâu thuẫn giữa người Sunni và Shia đều xuất phát từ cuộc xung đột tôn giáo suốt một thời gian dài liên quan người kế vị Nhà tiên tri Mohammed. Trong khi, người Shia cho rằng chỉ có họ hàng của Nhà tiên tri mới xứng đáng là người kế nhiệm thì người Sunni lại muốn đưa một người bạn thân kiêm cố vấn của Nhà tiên tri Mohammed là ông Abu Bakr lên ngôi Vua Hồi.
Phiến quân Houthis
Nhóm phiến quân Houthis đại diện cho người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shiite ở cực bắc Yemen, nằm ngay cạnh biên giới Ả Rập. Tên gọi của tổ chức này được lấy theo tên của dòng họ đứng đầu bộ lạc.
Thủ lĩnh tôn giáo của người Zaidi và từng là một thành viên trong Quốc hội Yemen, ông Hussein Badreddin al-Houthi đã bị chính phủ Yemen cáo buộc chỉ huy cuộc nổi dậy của phiến quân Houthi khi tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực chống lại người Israel và người Mỹ vào năm 2014. Sau khi phát lệnh truy nã al-Houthi, chính quyền Yemen đã ra lệnh bắt giữ hàng trăm người và tiêu diệt được vị thủ lĩnh này. Thậm chí, hàng chục người ủng hộ ông al-Houthi cũng đã bị giết.
Người dân đào bới tìm kiếm những người sống sót sau vụ không kích gần sân bay Sanaa hôm 26/3. |
Kể từ đó, lực lượng phiến quân Houthis đã chủ động tấn công quân đội chính phủ Yemen, đồng thời đòi mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và cáo buộc chính phủ liên minh với phái bảo thủ cực đoan Wahhabi ở Ả Rập Xê-út trong khi phớt lờ sự phát triển của quốc gia và những yêu cầu thiết yếu từ các bộ lạc người Zaidi.
Mặc dù, Tổng thống Yemen đương nhiệm Abed Rabbo Mansour Hadi cho rằng phiến quân Houthis đã nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng Hezbollah nhưng một số quan chức phương Tây lại cáo buộc Iran mới chính là nguồn hỗ trợ tài chính lớn cho Houthis để giành quyền kiểm soát khu vực bờ biển Đỏ trên lãnh hải Yemen. Song, chính lực lượng Houthis đã phủ nhận những lời cáo buộc trên.
Al-Qaeda và IS
Kể từ năm 2009, Yemen đã trở thành căn cứ hoạt động của các tay súng thuộc lực lượng khủng bố al-Qaeda. Sau khi người Yemen và các nhóm Ả Rập có mối liên hệ với al-Qaeda bắt tay nhau để cùng thành lập lực lượng al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP), tổ chức này đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu khủng bố hàng đầu trên thế giới. Thậm chí, Mỹ còn coi AQAP là chi nhánh nguy hiểm nhất nằm trong mạng lưới của al-Qaeda. Trước khi tới Ả Rập Xê-út, gia đình của trùm khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden cũng từng sống ở khu vực phía nam Yemen.
Đáng nói, cuộc chiến chống lại AQAP của chính phủ Yemen đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Mỹ. Theo đó, kể từ năm 2007, Washington đã chuyển cho Yemen gói viện trợ quân sự trị giá hơn 500 triệu USD thông qua các chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào vị trí của các nhóm khủng bố nằm trên lãnh thổ Yemen.
Vụ đánh bom liều chết vào các nhà thờ ở thủ đô Sanaa của Yemenhôm 20/3 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. IS nhận là thủ phạm gây ra vụ tấn công. |
Trong hoàn cảnh, nhiều nhóm vũ trang cùng chiến đấu một lúc trên lãnh thổ bao gồm quân chính phủ, phiến quân Houthis và AQAP, sự hỗn loạn ở Yemen đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. Nhiều tổ chức cực đoan có mối quan hệ với Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng cũng đang hoạt động tại Yemen. Đây chính là lực lượng chuyên tổ chức các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào quân đội chính phủ và dân thường.
Điển hình, hôm 20/3, hơn 100 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị thương thương sau một cuộc tấn công đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ ở thủ đô Sanaa của Yemen. Các tay súng IS đã lên tiếng chịu trách nhiệm là thủ phạm gây ra vụ tấn công trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.