Xuyên đêm vận chuyển hàng về siêu thị phục vụ người dân Thủ đô
Thành phố Hà Nội hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
Các siêu thị ở Hà Nội tăng lượng hàng dự trữ phục vụ người dân Thủ đô. |
Sở Công thương Hà Nội cho biết, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội sẵn sàng bố trí thêm 1.920 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu lưu động tại các quận, huyện, nên người dân không cần phải lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa.
Trả lời báo chí trước đó, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, Hà Nội đã dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.
Thực tế trong những ngày qua, hệ thống các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Hapro Foods, BigC, BRG Mart, Vinmart, Co.opmart,… đều luôn đảm bảo lượng cung hàng hóa dồi dào.
Ngay trong tối 23/7 và sáng 24/7, không có tình trạng người dân ùn ùn kéo nhau đi tích trữ hàng hóa như từng xảy ra trong đợt giãn cách xã hội vào năm 2020.
Ngoài việc bổ sung thêm hàng hóa, giá cả các mặt hàng cũng không thay đổi so với trước đó. Tại các siêu thị BigC, VinMart, Hapro Foods,… giá gạo tám thơm Điện Biên được bán ở mức 21.500 đồng/kg; gạo thơm lài 21.000 đồng/kg; bí xanh 15.000 đồng/kg; bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg…
Tại các chợ truyền thống, giá rau củ quả cũng không có sự biến động. Giá khoai tây 15.000 đồng/kg; giá bí xanh 20.000 đồng/kg; giá thịt lợn 110.000 - 140.000 đồng/kg… tùy loại.
Đại diện BRG Mart cho biết, các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, trứng, rau xanh, mì tôm, nước mắm,…. đều đã được siêu thị tăng lượng hàng hóa trên kệ, cũng như dự trữ trong kho tăng từ 3-10 lần so với trước. Bên cạnh đó, BRG cũng đã ký thỏa thuận không tăng giá với các nhà cung cấp nên đảm bảo sẽ không tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian này.
“BRG Mart đã có kế hoạch đặt hàng những nhóm mặt hàng thiết yếu với các nhà sản xuất, những mặt hàng đó được các nhà cung cấp cam kết dành riêng cho hệ thống Hapro Foods và BRG Mart. Tại kho của nhà cung cấp, hàng hóa sẽ được chuyển đến kho hoặc siêu thị. Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các nhà cam kết giữ giá và bình ổn giá cho hệ thống siêu thị BRG Mart và Hapro Foods”, Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Công ty Bán lẻ BRG cho biết.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Retail, đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị BigC/Go!, cho biết, hệ thống đã tăng nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng; làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn,… để sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, để tránh tiếp xúc trực tiếp, Central Retail thực hiện bán hàng trực tuyến thông qua ứng dụng Go!, hotline, Zalo,… BigC cũng đã tăng lượng hàng dự trữ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân Thủ đô. Trong đó, thực phẩm khô tăng từ 30-50%, sẵn sàng tăng thêm 100% một số mặt hàng khi có nhu cầu cao; hàng tươi sống tăng từ 200-300% so với thông thường.
Còn đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cũng cho biết, để đảm bảo lượng hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Vinmart/Vinmart+ đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh.
Cụ thể doanh nghiệp đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần bình thường. Hiện Vinmart có 4 kho hàng ở Đông Anh và Thanh Trì và một kho bổ trợ ở Bắc Ninh. Các kho hàng đều vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn.
Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Hiền Anh
Người Hà Nội đi chợ từ tờ mờ sáng trước giờ giãn cách, thực phẩm ngồn ngộn
Ngay từ tờ mờ sáng 24/7, trước 06h khi quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 chính thức có hiệu lực, các khu chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tấp nập người mua, kẻ bán.