Xuyên đêm đóng gói vải đưa sang Trung Quốc tiêu thụ
Vải đang vào mùa thu hoạch tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hàng ngàn lao động miệt mài ngày đêm đóng gói vải đưa đi tiêu thụ ở các thị trường miền Trung, miền Nam và Trung Quốc…
Ghi nhận tại một cơ sở thu mua vải và đóng gói đưa ra thị trường tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), có khoảng 30 công nhân đang ngày đêm miệt mài kiểm tra vải, ướp đá, cắt cuống, đóng gói… Những công đoạn này được thực hiện tỉ mỉ và không được sai sót nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.
Công nhân đang miệt mài ngày đêm để kịp đưa vải ra các thị trường miền Trung, miền Nam và Trung Quốc |
Vào mùa vải cũng là lúc những người lao động ở đây làm không hết việc.
Đang hướng dẫn công nhân thực hiện các công đoạn sơ chế vải tại cơ sở của mình, bà Trần Thị Đoan (trú xã Hồng Giang) cho biết: "Hiện tại xưởng có khoảng 30 công nhân làm việc liên tục, mỗi người một việc, người chặt đá, người bọc nilon vào các thùng xốp, người cắt cành và đóng hộp chuẩn bị đưa lên xe đem đi tiêu thụ tại các thị trường miền Trung, miền Nam và cả Trung Quốc".
Công nhân đang miệt mài ngày đêm để kịp đưa vải ra các thị trường miền Trung, miền Nam và Trung Quốc |
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Đoan, hiện nay vải đang đầu vụ, mỗi ngày xưởng sơ chế, đóng gói 1 đến 2 xe, sản lượng nhiều có thể lên đến 30 tấn/ngày.
"Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh năm nay, để mang vải đi tiêu thụ ở các nơi, toàn bộ nhân viên phải xét nghiệm và có giấy tờ xác nhận của xã đủ điều kiện an toàn thì mới được đi. Lúc đi cũng xét nghiệm, lúc về cũng xét nghiệm"- bà Đoan nói.
Bà Đoan cũng cho biết thêm: "So với mọi năm thì năm nay người dân cũng thiệt thòi, mặc dù là đầu vụ nhưng giá vải cũng rẻ. Tuy nhiên, vải đẹp cũng vẫn được giá còn vải vừa vừa, xấu xấu thì không được giá cao".
Những quả vải chín mọng đã được công nhân cắt cuống đưa vào thùng chờ đem ra thị trường |
Đang làm việc tại cơ sở trên, bà Bùi Thị Hiếu (trú xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: "Tôi bắt đầu dậy đi làm từ 5 giờ sáng và đến 11 giờ đêm mới nghỉ, có hôm còn muộn hơn, tuỳ vào lượng vải tại xưởng. Ngày bình thường thu nhập của tôi rơi vào khoảng 350 ngàn đồng, còn ngày làm nhiều cũng được từ 450 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng".
Tại cơ sở thu mua vải và đóng gói của bà Đoan có khoảng 30 công nhân đang liên tục làm việc
Những chùm vải sau khi được các thương lái thu mua sẽ được xếp gọn vào một vị trí cố định và được cân lại, đưa ra khu vực sơ chế
Hàng ngàn cây đá được đem đến cơ sở thu mua vải này nhằm ướp lạnh vải để giữ trái vải được tươi khi mang ra thị trường
Vải được ngâm qua nước đá lạnh và sau đó đến khu vực phân loại, đóng gói
Mỗi ngày chủ cơ sở này có thể nhận đến 30 tấn vải. Số vải được các công nhân sơ chế trong ngày nhằm đưa sớm nhất ra thị trường
Những quả vải được chọn lựa và cắt cuống cẩn thận
Thời điểm vải vào vụ cũng là lúc những công nhân này "làm không hết việc"
Công nhân đang đóng gói vải. Những công việc nặng như đóng gói vải, vận chuyển vải ướp lạnh... đều được các công nhân nam thực hiện, còn những công nhân nữ chỉ việc cắt cuống, lựa chọn và phân loại vải
Theo ghi nhận vào khoảng 23 giờ đêm, những chiếc xe container đang đậu trước các cơ sở để công nhân chuyển vải lên
Công nhân nhanh chóng chuyển các thùng vải lên xe
Với công việc khuân vác, mỗi ngày những lao động này nhận một khoản tiền kha khá
Sau khi đưa những thùng vải lên xe, công nhân tưới nước lại một lần nữa
Theo ghi nhận vào khoảng 12 giờ đêm tại môt cơ sở thu mua và đóng gói vải, những công nhân vẫn đang miệt mài làm việc.
Bắc Giang: Nửa đêm bật dậy đi hái vải, điểm thu mua tắc dài cả cây số
Dưới ánh đèn lấp lóe sáng trong vườn vải trĩu quả, những đôi tay thoăn thoắt vin cành, cắt từng chùm vải trĩu nặng, kịp sáng sớm ra chợ đầu mối cân cho thương lái
Theo nld.com.vn