Xử trí ngộ độc lá ngón
Nguyễn Minh (Hải Phòng)
Trả lời: Lá ngón là loại cây leo thân quấn thường xanh, dài tới 12m, khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Ngộ độc lá ngón là ngộ độc rất thường gặp ở vùng cao Tây Bắc.
Triệu chứng ngộ độc xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn hoặc uống nước luộc, nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả từ vài phút tới 30 phút với biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động cơ toàn thân, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp dẫn đến ngừng tim, nếu ngộ độc nặng có thể thêm triệu chứng co giật, hôn mê sâu, rối loạn thân nhiệt.
Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 giờ ngộ độc.
Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch.
Sau đó khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.
Nguồn SKĐS