Xử phúc thẩm vụ chạy thận: Đỗ Anh Tuấn không đồng phạm với Trương Quý Dương?
Bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn), luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương trích dẫn nội dung của 3 trong số 4 bản Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình, trong đó nhận định “Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn ký hợp đồng với bệnh viện đúng quy định pháp luật, hợp đồng chưa bàn giao, Đỗ Anh Tuấn là đại diện pháp nhân”.
Tuy nhiên, Kết luận điều tra số 64 ngày 25/11/2018 và cáo trạng số 01 ngày 05/12/2018 quy kết Đỗ Anh Tuấn phạm tội mà không có bất cứ tình tiết gì mới.
“Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, đặc biệt là phiên tòa xét xử sơ thẩm, cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào hoặc một điều luật nào chứng minh ông Tuấn là chủ thể của tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng như hành vi nào của Đỗ Anh Tuấn là hành vi phạm tội”, luật sư Đinh Hương nói.
Bản án sơ thẩm số 08/2019-HSST ngày 30/01/2019 đã tuyên Đỗ Anh Tuấn đồng phạm với ông Trương Quý Dương trong việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu Giám đốc Công ty Thiên Sơn. |
Bản án nhận định Bùi Mạnh Quốc “có lỗi vô ý vì quá tự tin”, là lỗi do nhận thức, không phải lỗi về hành vi. Do đó, luật sư Hương cho rằng việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 không phải là nguyên nhân của hậu quả chết người, việc Quốc có mặt tại bệnh viện vào sáng ngày 29/5/2017 hay không thì hậu quả chết người vẫn sẽ xảy ra do bệnh viện tự ý đưa nguồn nước đang trong quá trình sửa chữa vào sử dụng một cách tùy tiện, mà chưa có bàn giao nhiệm thu giữa Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Về Hợp đồng số 64/BVĐKT-TS ngày 29/12/2009 giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Đinh Hương cho rằng Hợp đồng này đã được thanh lý từ ngày 18/11/2014, do đó, việc đưa ra một chứng cứ không còn hiệu lực pháp luật (theo Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015) để ghép tội cho Đỗ Anh Tuấn là trái pháp luật.
Hơn nữa, Công ty Thiên Sơn không phải là đối tượng cùng thực hiện nhiệm vụ với BVĐK tỉnh Hòa Bình mà chỉ là đối tác cho bệnh viện thuê máy chạy thận.
Thông tư 02/2008/TTLT hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định 43/2006/NĐ- CP ngày 25/4/2006 của chính phủ “Quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế” Thông tư này chỉ áp dụng đối với các đơn vi sự nghiệp nhà nước nên Công ty Thiên Sơn không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Mặt khác, nghị định 43/2006/NĐCP đã bị nghị định 16/2015/NĐCP thay thế ngày 14/02/2015. Căn cứ vào khoản 4 điều 154 Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
Như vậy, Thông tư 15/2007/TT-BYT đã hết hiệu lực từ ngày 14/02/2015. Nghị định 16/2015/NĐCP quy định đối tượng áp dụng chỉ là các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Vì vậy, luật sư cho rằng không có cơ sở khoa học pháp lý hay thực tiễn khách quan nào có thể đáp ứng suy luận “Công ty Thiên Sơn cùng thực hiện nhiệm vụ công với BVĐK tỉnh Hòa Bình” để quy trách nhiệm cho Đỗ Anh Tuấn.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương và người nhà nạn nhân sau phiên tòa ngày 13/6. |
Cũng theo luật sư này, không có mối liên hệ nào giữa hợp đồng thuê máy chạy thận và hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO2. Việc cho thuê máy thận bằng hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của Chính phủ, việc sửa chữa hệ thống RO2 ngày 28/5/2017 là hợp đồng được ký kết thông qua hoạt động đấu thầu.
Bản án sơ thẩm cũng như bản luận tội của VKS đều nhận định Đỗ Anh Tuấn đồng phạm và phải cùng chịu trách nhiệm với bị cáo Trương Quý Dương trong việc gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự cố ngày 29/5/2017.
Luật sư Đinh Hương tập trung phân tích phản bác nhận định này bằng việc trích dẫn Điều 20 khoản 1 Bộ luật Hình sự 1999: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên có ý cùng thực hiện một tội phạm. Đồng phạm trong pháp luật hình sự chỉ áp dụng các tội có lỗi cố ý. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có cấu thành là lỗi vô ý.
Công ty Thiên Sơn là Công ty 100% vốn tư nhân. Đỗ Anh Tuấn không thể là chủ thể của tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng" theo điều 285 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 vì tội danh nằm trong chương “Tội phạm chức vụ” và yêu cầu chủ thể đặc biệt.
Khoản 2 Điều 277 BLHS 1999 quy định: "Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ". Theo điều luật này, “người” ở đây chỉ có thể là cá nhân. Việc xác định trách nhiệm hoặc chuyển giao công vụ (nếu có) chỉ có thể thông qua Hợp đồng lao động, không thể thông qua Hợp đồng kinh tế giữa hai pháp nhân".
Từ những nhận định trên, luật sư Đinh Hương khẳng định: “Đỗ Anh Tuấn không phải là chủ thể của tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hành vi khách quan của Đỗ Anh Tuấn không xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức nhà nước và không có mối liên hệ nhân quả đối với hậu quả của vụ án. Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Bản án đã có những nhận định các tình tiết suy diễn, ngoài nội dung vụ án”.