Xu hướng làm giàu trước, sinh con sau trong giới trẻ Trung Quốc
Theo cuộc khảo sát được các tổ chức hàng đầu tại Trung Quốc thực hiện bao gồm Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình, Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, giới trẻ nước này tin rằng một cuộc hôn nhân ổn định và nghề nghiệp vững chắc là điều kiện tiên quyết để sinh con. Những người tham gia khảo sát cũng cho biết “đau đớn khi sinh con” là lý do hàng đầu khiến phụ nữ sợ sinh đẻ.
Đối tượng được khảo sát chủ yếu là sinh viên đại học. Cả nam và nữ đều cho biết họ muốn thành công trong sự nghiệp trước khi lập gia đình. Chính việc phụ nữ có xu hướng ngày càng độc lập hơn đã làm thay đổi quan niệm hôn nhân ở đất nước tỷ dân, nơi mà đàn ông luôn được cho là người kiếm tiền chính trong gia đình.
Khác với 1-2 thế hệ trước, giới trẻ Trung Quốc hiện không còn coi hôn nhân là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Thay vào đó, giới trẻ tin rằng mục tiêu chính của hôn nhân là tinh thần và chất lượng sống cao hơn. Ngoài ra, họ hiện có thái độ cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân và chuyện ly hôn.
Cũng theo cuộc khảo sát, sợ đau khi sinh con và thiếu kỹ năng làm cha mẹ nằm trong nhóm lý do chính khiến những người được phỏng vấn né tránh sinh con. Khoảng 15% cho biết họ muốn theo đuổi lối sống “DINK” - Gấp đôi thu nhập, không sinh con.
Cuộc khảo sát là một trong loạt nghiên cứu nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc về hôn nhân và con cái, cũng như giúp đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả hơn trước tình trạng già hóa và sụt giảm dân số.
Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách 1 con được thi hành suốt nhiều thập niên, cũng như xây dựng thêm nhà trẻ để khuyến khích người dân kết hôn và sinh con. Chính quyền địa phương cũng triển khai các khoản trợ cấp đối với những công dân chịu sinh thêm con.
Tuy nhiên, hơn 40% người được hỏi nói sẽ không sinh con chỉ vì những chính sách khuyến sinh mới được ban hành gần đây. Chỉ 8,26% nói sẵn sàng sinh con, nếu những chính sách ưu đãi này được triển khai.
Đối mặt với tình trạng công việc khan hiếm, một số người nói rằng họ hy vọng có thêm các chính sách hỗ trợ việc làm thay vì khuyến sinh.
Tờ The Paper dẫn lời GS Mao Zhuoyan tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô nhận định kết quả khảo sát cho thấy sự khác biệt tâm lý lớn về chuyện kết hôn giữa sinh viên đại học với những người đã kết hôn.
Theo ông, sự thay đổi trong chính sách cần tính đến những thay đổi trong nhận thức của thế hệ hiện tại, và cần đặc biệt chú trọng đến nhu cầu của phụ nữ.
Minh Thu