Xôn xao clip cụ ông 83 tuổi vẫn lái ô tô chạy bon bon trên đường, người già đối diện nguy cơ gì?
Ở người cao tuổi, khả năng phán đoán cũng như phản xạ bị giảm đáng kể, chưa kể khi va chạm sẽ dễ bị chấn thương hơn…
MXH xôn xao clip hình ảnh một cụ ông dù lưng đã còng nhưng vẫn lái xe ô tô chạy bon bon trên đường. Tình huống của cụ chia ra 2 luồng dư luận trái chiều: một bên ủng hộ khi đưa ra dẫn chứng ở một số nước như Nhật Bản, Sing… thì người cao tuổi còn lái taxi; trong khi phía còn lại thì lo ngại người cao tuổi lái xe rất nguy hiểm vì mắt đã mờ, chân đã chậm…
Được biết cụ ông tên Vinh (83 tuổi), ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Trước đây ông Vinh từng là giáo viên dạy lái và có bằng lái xe.
Dưới góc độ luật pháp, các luật sư cho rằng theo luật giao thông đường bộ chưa có quy định giới hạn cụ thể tuổi cao nhất đối với lái xe ô tô. Như vậy theo luật thì người cao tuổi vẫn được phép lái xe ô tô nếu đảm bảo điều kiện về sức khoẻ và giấy phép lái xe còn hạn. Nên ông Vinh dù 83 tuổi, nếu giấy phép lái xe còn thời hạn thì việc lái xe của ông không vi phạm.
Ông Vinh 83 tuổi lái xe chạy bon bon trên đường (ảnh cắt từ Clip ) |
Trao đổi với phóng viên BS Đinh Thế Tiến (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết nhằm đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe về lái xe, nhà nước có những quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sức khỏe và sự bình thường về tâm thần kinh.
Theo đó, ai thi bằng lái xe đều phải kiểm tra sức khỏe nhằm đánh giá chính xác và sàng lọc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình lái xe và khả năng ra quyết định, cần thiết trong điều khiển phương tiện giao thông. Một số bệnh lý sẽ không được cấp bằng lái xe như mù màu, hoặc có rối loạn tâm thần kinh.
Dù theo quy định không giới hạn độ tuổi lái xe nếu có giấy phép, tuy nhiên xét dưới góc độ sức khoẻ, trao đổi với phóng viên Infonet, BS BS Đinh Thế Tiến cho rằng, người cao tuổi đối diện với nguy cơ mất an toàn giao thông khi tham gia vận hành máy móc hoặc tàu xe.
Bởi lái xe đòi hỏi sự phối hợp các cơ quan như thị giác, vận động và nhận thức phức tạp. Một số người cao tuổi có thiếu hụt từ nhẹ đến trung bình trong một hoặc nhiều kỹ năng này.
Hơn thế nữa, theo BS Thế Tiến, ở người cao tuổi, khả năng phán đoán cũng như phản xạ bị giảm đáng kể.
Ngoài ra, nếu xảy ra va chạm khi tham gia giao thông thì người lớn tuổi sẽ dễ bị chấn thương hơn vì: Ít khả năng chịu được chấn thương; thường mắc nhiều bệnh đi kèm (ví dụ như: bị loãng xương, mắc bệnh tim mạch…).
Theo BS Đinh Thế Tiến, không chỉ người cao tuổi mà ngay cả những người mắc các bệnh lý sau thì không nên ôm vo lăng.
Cụ thể:
Người mắc các bệnh suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn nặng
Bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng vận động và phối hợp cơ quan như: Parkinson, động kinh, di chứng tai biến mạch máu não,
Các bệnh lý rối loạn tâm thần kinh như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực
Một số bệnh lý khác như mù màu, rối loạn thị giác nặng …
Độ tuổi không nên lái xe ô tô: nam không nên quá 60; nữ không nên quá 55.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo những thói quen cần phải bỏ ngay khi lái xe ô tô nhằm đảm bảo an toàn như: sử dụng điện thoại, đeo tai nghe, đi giày cao gót, gác chân lên bàn đạp côn…
Theo đó, trên thực tế, việc sử dụng điện thoại trong lúc lái xe rất nguy hiểm. Điều này khiến bạn xao nhãng việc cầm lái, dẫn đến vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, nhấn nhầm chân ga, thậm chí gây nên các vụ tai nạn không đáng có.
Vì vậy, tài xế cần từ bỏ ngay thói quen sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.
Ngoài ra, nhiều tài xế cũng có thói quen sử dụng tai nghe để nghe nhạc giúp giảm bớt căng thẳng, xua tan mệt mỏi, chống buồn ngủ khi đi những đoạn đường dài.
Nhưng thói quen này cũng khiến bạn mất tập trung, không nghe được tiếng còi hiệu của phương tiện khác cũng như tín hiệu điều khiển của cảnh sát giao thông.
Tất cả đều gây bất lợi và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tham gia giao thông. Vì vậy, tài xế hãy loại bỏ thói quen này.
Đặc biệt với chị em nếu đi giày cao gót lái xe cũng rất nguy hiểm. Bởi đế giày cao gót rất nhọn và có thể mắc kẹt ở sàn xe, thậm chí khiến cho bàn chân điều khiển trở nên khó khăn hơn.
Tất cả điều này đểu có thể khiến chị em lái xe gây ra sự cố ngoài ý muốn. Bởi vậy, khi ngồi ở vị trí ghế lái, phụ nữ hãy đi những đôi giày đế bằng, vừa vặn cỡ chân và thoải mái để tự tin điều khiển xe ôtô.
Thói quen xấu cuối cùng cần phải bỏ là gác chân lên bàn đạp côn. Bởi nhiệm vụ của bàn đạp côn là ngắt ly hợp, tách hộp số khỏi động cơ để xe có thể chuyển số. Khi gác chân lên bàn đạp côn, bạn sẽ tác dụng lực, nhất là những xe có bàn đạp côn rất nhẹ.
Điều này sẽ làm bộ ly hợp không ăn khớp hoàn toàn với động cơ và gây ra tình trạng trượt ly hợp. Hậu quả dẫn đến hộp số sẽ không truyền tải đủ 100% công suất từ động cơ, gây tiêu hao nhiên liệu và bộ ly hợp cũng sẽ nhanh chóng bị ăn mòn.
N. Huyền