Xóa sổ bệnh thành tích, giả dối thì mới có chất lượng giáo dục thật
Việc đánh giá trong giáo dục hiện nay phải đánh giá dựa vào sự hài lòng, sự vui vẻ của học sinh chứ không chỉ dựa vào số lượng tỉ lệ học sinh khá, giỏi hay 100% học sinh lên lớp.
Chữa "bệnh thành tích" thế nào?
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói thẳng, “bệnh thành tích” xuất hiện ở nhiều nơi nhưng điển hình là trong ngành giáo dục.
Trong giáo dục “bệnh thành tích” nguy hiểm hơn cả vì sự thiếu trung thực, giả dối của một số cán bộ quản lý, giáo viên có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến cả thế hệ sau.
Thời gian qua một trong số vụ việc điển hình của "bệnh thành tích" là tiêu cực gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 ở một số tỉnh khiến dư luận ngỡ ngàng.
Gần đây nhất là vụ việc học sinh lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo gây xôn xao dư luận. Cụ thể, một số học sinh Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được phát hiện đọc, viết khó khăn. Có em đọc không liền câu mà phải đánh vần, viết chữ sai chính tả nhiều.
Điều đáng nói là tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" không phải bây giờ mới xảy ra. Hầu như năm nào cũng phát hiện ở một vài địa phương có hiện tượng này.
Hình minh họa |
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc đánh giá trong giáo dục hiện nay phải đánh giá dựa vào sự hài lòng, sự vui vẻ của học sinh chứ không chỉ dựa vào số lượng tỉ lệ học sinh khá, giỏi hay 100% học sinh lên lớp. Vì dựa vào tiêu chí học sinh khá, giỏi nên học sinh không biết viết vẫn lên lớp để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ năm học.
“Tôi mong tân Bộ trưởng với vai trò của mình sẽ định hướng các cơ sở giáo dục làm thật. Chúng ta phải chống triệt để bệnh thành tích, bệnh hình thức thì mới có được chất lượng giáo dục thật”, thầy Lâm nói.
Cải cách giáo dục sẽ thất bại nếu không bắt đầu từ giáo viên
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội bày tỏ mong muốn về việc thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo cũng như cơ chế động viên, tạo động lực cho giáo viên làm việc.
Cải cách giáo dục sẽ thất bại nếu không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Đổi mới giáo dục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ đối với giáo viên ngày càng cao buộc nhà giáo phải "nâng tầm" của mình.
Nhưng muốn "nâng tầm" giá trị và năng lực để đóng góp vào sự phát triển giáo dục, thực hành đổi mới dục thành công thì trước hết cần nâng cao mức sống.
Phải có sự phân loại trình độ giáo viên ở từng mức rõ ràng, nhất là về mức lương. Lương thưởng phải phù hợp với mức độ cống hiến của từng người.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần phải thực hiện thật nghiêm túc ngay từ khâu đào tạo sư phạm. Từ đó, có cơ chế tuyển dụng giáo viên giỏi về trí tuệ, đáp ứng được những yêu cầu chuyên môn.
Cùng chung mong muốn cải thiện đời sống cho giáo viên, thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng đời sống giáo viên phải được chăm lo mới mong họ cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Thầy Vĩnh cho biết hiện nay nước ta có hơn 1 triệu giáo viên, nếu tăng lương đồng loạt sẽ gây khó khăn cho ngân sách, vì thế sẽ trả lương theo mức cống hiến. Đây cũng là động lực để giáo viên cố gắng và nỗ lực hơn nữa.
Tôi bất an khi con đến lớp: Bộ Giáo dục có ngăn chặn được tình trạng học sinh đánh bạn?
Hàng chục vụ bạo lực học đường được phát hiện, có vụ học sinh mang dao bầu đến trường đoạt mạng bạn ngay ở Hà Nội chứ không đâu xa... khiến những phụ huynh như tôi vô cùng bất an
Hoàng Thanh