Xoa dịu biểu tình, chính phủ Brazil chi 25 tỷ USD cho giao thông công cộng
Các cuộc biểu tình suốt 2 tuần qua tại Brazil đã khiến 4 người thiệt mạng |
Hôm 24/6, bà Rousseff đã đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu dân ý "cải cách chính sách" nhằm xoa dịu sự bất mãn của người dân về chất lượng yếu kém của các dịch vụ công cộng và nạn tham nhũng tràn lan tại Brazil – nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới.
Ngoài ra, tổng thống Brazil cũng lên tiếng phản đối mọi hành vi bạo lực và phá hoại tài sản công cộng như các vụ biểu tình hôm 20/6, kéo theo 1,2 triệu người đổ xuống khắp các con đường trên cả nước yêu cầu chính phủ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
"Chính phủ Brazil sẽ chi 25 tỷ USD cho các khoản đầu tư mới vào những dự án giao thông nội đô và cải thiện chất lượng giao thông công cộng trên cả nước", bà Rousseff thông báo sau cuộc đối thoại với lãnh đạo các nhóm biểu tình và quan chức địa phương.
Ngoài ra, bà Rousseff nhấn mạnh trách nhiệm của các khoản tài chính trong việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực y tế và giáo dục như lời kêu gọi của người dân Brazil tham gia đoàn biểu tình trong vòng 2 tuần qua.
Trước đó, người dân Brazil đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc tăng giá phí giao thông công cộng và chính phủ chi một khoản tiền lớn cho công tác chuẩn vị World Cup 2014.
Các cuộc biểu tình bùng nổ đúng thời điểm diễn ra Confederations Cup (Cúp Liên đoàn các châu lục) được tổ chức tại 6 thành phố của Brazil. Trong đó, riêng kinh phí tổ chức 2 sự kiện thể thao Confederations Cup và World Cup 2014 đã tiêu tốn 15 tỷ USD.
Đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình tại Brazil |
Tại thủ đô Brasilia, hôm 24/6, bà Rousseff đã tiến hành họp bàn với các thống đốc bang, thị trưởng thành phố, lãnh đạo của các nhóm biểu tình bao gồm đại diện nhóm MPL – những người đã thành công trong việc yêu cầu chính quyền tại một số thành phố như Sao Paulo và Rio, ngừng tăng phí giao thông.
"Chính phủ đang lắng nghe ý kiến của người dân yêu cầu thay đổi. Chính phủ có thể tìm kiếm giải pháp khắc phục với người dân", bà Rousseff nhắc lại lời nhắn gửi như đã nói trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng biểu tình hôm 21/6.
Bà Rousseff cho biết việc thay đổi chất lượng giao thông công cộng là ưu tiên hàng đầu, sử dụng tiền thuế khai thác dầu mỏ để thúc đẩy giáo dục và đề xuất tuyển dụng thêm các bác sĩ ngoại quốc để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Sau cuộc họp hôm 24/6, đại diện MPL khẳng định tiến hành đối thoại với chính phủ song vẫn tiếp tục biểu tình cho tới khi những yêu cầu đưa ra được chính phủ đáp ứng. "Cuộc đấu tranh vẫn chưa kết thúc. Cuộc đấu tranh để miễn phí giao thông vẫn đang tiếp tục", đại diện MPL - Mayara Longo Vivian nói.
Theo kết quả thăm dò được Viện Ibope công bố hôm 23/6, 46% người biểu tình cho biết đây là lần đầu tiên họ xuống đường tham gia vào các đoàn biểu tình. Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích về việc tăng chi phí chuẩn bị World Cup 2014, 67% người dân đồng thuận về việc Brazil đăng cai chủ nhà giải đấu trên.
Các cuộc biểu tình phản đối việc tăng phí giao thông công cộng bắt đầu bùng nổ từ ngày 11/6 tại thành phố Sao Paulo. Sau 2 tuần diễn ra các cuộc biểu tình đã có 4 người chết. Đặc biệt, biểu tình đã nhanh chóng lan rộng khắp đất nước 194 triệu dân với 1,2 triệu người đã xuống đường biểu tình hôm 20/6. Trong đó, số người biểu tình tại thành phố Rio de Janeiro lên tới hơn 300.000 người.
Hồi cuối tuần, hơn 30 người đã bị thương sau khi cảnh sát ngăn chặn đoàn biểu tình 70.000 người tràn vào sân vận động tại Belo Horizonte hôm 22/6 – nơi diễn ra trận đấu giữa Mexico và Nhật Bản nằm trong giải đấu Confederations Cup.
Tới ngày 23/6, các cuộc biểu tình tại Brazil vẫn tái diễn song với quy mô nhỏ hơn và người dân cũng tỏ ra bình tĩnh hơn. "Tần suất diễn ra các cuộc biểu tình sẽ phụ thuộc vào phản ứng của giới chính trị gia Brazil", giáo sư tâm lý học Luis Felipe Ponde thuộc Đại học Rio nói.