Xin lỗi du khách bị cướp: Hãy coi đây là xử lý khủng hoảng truyền thông
Trước đó, báo chí đưa tin, chiều 11/3, nữ du khách và người bạn nước ngoài đang đứng xem bản đồ trên đường Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, TP. HCM bất ngờ bị hai thanh niên chạy xe máy áp sát, giật giỏ xách rồi tháo chạy.
Hoảng loạn, cô gái ngất lịm, được mọi người đưa vào lề. Lúc tỉnh lại, nạn nhân khóc nức nở khi toàn bộ giấy tờ, hộ chiếu, 200 USD, thẻ ngân hàng... đã mất cùng chiếc túi. Cô gái sang Việt Nam trú tại nhà người bạn ở TP HCM. Vụ việc đã được trình báo với Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Du khách bị giật túi xách, khóc ngất |
Ngay sáng ngày 14/3, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho biết: đã yêu cầu các lực lượng chức năng sớm liên lạc gặp gỡ nạn nhân để hỗ trợ và xin lỗi du khách bị cướp giật tại đường Lương Hữu Khánh.
Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng nhưng từ góc độ xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển du lịch, Chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân, CEO công ty Thanhs cho rằng nên coi đây là một cơ hội để giải quyết khủng hoảng về hình ảnh du lịch của thành phố, đừng chỉ xin lỗi cho xong”. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn Infonet của chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân.
Thưa chị, gần đây, câu chuyện loại trừ nạn cướp giật ở TPHCM đang là đề tài nhiều người rất quan tâm, nhất là khi Bí thư Đinh La Thăng nhậm chức tại đây. Cá nhân chị có quan tâm không?
Nạn cướp giật ở TPHCM là một trong những mặt trái đáng buồn của thành phố từ rất nhiều năm nay. Cá nhân tôi cũng thường được người dân địa phương nhắc nhở mỗi chuyến làm việc tại TP; khá may mắn là tôi chưa gặp phải chuyện này.
Rất vui mừng khi Bí thư Tp HCM Đinh La Thăng đã quan tâm và có chỉ đạo cụ thể để giải quyết tệ nạn.
Tuy nhiên, chính lúc mọi người đang quan tâm nhất đến câu chuyện này thì nó lại vẫn xảy ra, và lại xảy ra với du khách. Theo chị, nếu không chấm dứt tình trạng cướp giật thì tác hại sẽ như thế nào với nhìn nhận của nước ngoài với môi trường du lịch của Tp HCM nói riêng và Việt Nam nói chung?
Du khách nước ngoài bị cướp tài sản tại Tp HCM không phải là câu chuyện mới xảy ra lần đầu; trên một số diễn đàn quốc tế cũng như báo chí trong nước đưa tin; đã nhiều du khách than phiền. Vấn nạn này ngoài việc khiến du khách sợ hãi khi thực tế trải nghiệm du lịch tại Việt Nam; còn khiến hình ảnh đất nước thanh bình của chúng ta vẫn chỉ là một quốc gia "khói lửa" trong tâm thức của rất nhiều khách du lịch quốc tế.
Vì vậy, việc Bí thư Thành ủy có ý kiến chỉ đạo trực tiếp v.v giải quyết và yêu cầu cơ quan chức năng xin lỗi du khách thực sự có ý nghĩa xã hội lớn.
Về khía cạnh an ninh trật tự và an toàn xã hội, việc chính quyền địa phương giải quyết nhanh, gọn và ngay lập tức bắt giữ được nghi phạm đã giúp cho du khách và người dân địa phương an tâm hơn. Nếu cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện việc xin lỗi du khách một cách trọng thị truyền thông tốt; tôi tin rằng đây sẽ là những thông điệp đáng giá để tạo nên sự tin tưởng cho du khách quốc tế.
Phải chăng nạn cướp giật ở Tp HCM cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch, thư chị?
Chúng ta nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam vốn là một quốc gia có rất nhiều lợi thế để phát triển và thu hút khách du lịch quốc tế. Trong 2-3 năm vừa qua VN liên tục được cộng đồng và các tổ chức quốc tế ghi nhận về du lịch điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng... với trên 3000 km bờ biển dài, đẹp và nhiều danh thắng nổi tiếng...
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là lượng du khách quốc tế đến VN sụt giảm lớn và tỷ lệ khách quay lại thấp. Năm 2014 lượng khách quốc tế đạt 7,8 triệu lượt; năm 2015 ước đạt 7.943.651 lượt, chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo tôi, vấn nạn cướp giật tại thành phố, theo tôi chỉ là một trong số những lý do khiến du khách không quay lại Việt Nam.
Ngoài ra, còn những than phiền về văn hóa, con người Việt Nam trên các trang diễn đàn du lịch lớn uy tín khiến hình ảnh du lịch Việt Nam xấu đi khá nhiều. Rất nhiều khách "một đi không trở lại".
Trở lại câu chuyện xin lỗi du khách bị cướp giật, theo chị nên xin lỗi thế nào để du khách “tăng thiện cảm” với Tp HCM và Việt Nam?
Theo tôi, thay vì coi việc xin lỗi như một thứ trách nhiệm, chính quyền và sở Du lịch nên coi đây là một cơ hội để giải quyết khủng hoảng về hình ảnh du lịch của thành phố.
Chính vì vậy, xét trên góc độ xây dựng hình ảnh thương hiệu địa phương; những câu chuyện về việc xử lý sự cố như trường hợp này có thể coi như một cú hích thúc đẩy sự quan tâm của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thay vì chỉ "xin lỗi là xong"; chính quyền Thành phố hoàn toàn có thể xây dựng tiếp các chương trình hành động và chuỗi hoạt động truyền thông liên quan ví như cam kết trở thành thành phố an toàn nhất dành cho khách du lịch. Hoạt động này sẽ kêu gọi và kết nối người dân tại từng địa bàn, tuyến phố đồng hành cùng chính quyền trong việc giải quyết tệ nạn...
Xin cảm ơn chị!