Xét xử tội phạm Đức Quốc xã
Xét xử tội phạm Đức Quốc xã
Hermann Goering, “tên phát xít xấu xa”, trong phiên tòa Nuremberg, 1946 |
Các cuộc điều tra trước đó vẫn dậm chân tại chỗ cho đến khi một công nhân Mỹ về hưu là John Demjanjuk bị kết án.
Do các nghi phạm ở tuổi cao, ít nhất là ở độ tuổi 80, nên theo giám đốc phòng công tố của Đức, nhà chức trách sẽ thúc đẩy điều tra ngay mà không chờ cho đến khi vụ của Demjanjuk hoàn thành.
Đồng thời, Efraim Zuroff, người săn lùng tội phạm phát xít hàng đầu, cho biết ông sẽ mở một chiến dịch mới vào hai tháng tới, để tìm kiếm các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã còn sót lại.
Ông nói việc Demjanjuk bị kết án đã mở đường cho các vụ khởi tố tiếp theo, điều mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ là có thể thực hiện được.
Demjanjuk, 91 tuổi, đã bị dẫn độ từ Mỹ về Đức vào năm 2009 để xét xử. Hồi tháng 5, ông ta bị kết án vì tội 28.060 lần đồng lõa trong các vụ giết người khi làm bảo vệ tại trại tập trung Sobibor của Đức Quốc xã ở Ba Lan.
Đây là lần đầu tiên các công tố viên có thể buộc tội một người thuộc bộ máy của Đức Quốc xã mà không có bằng chứng trực tiếp về hành động giết người cụ thể của nghi phạm.
Khi đưa Demjanjuk ra tòa, các công tố viên của Munich lập luận rằng nếu họ có thể chứng minh ông ta là một bảo vệ của trại tập trung như trại Sobibor- một kiểu trại tập trung được thành lập chuyên để giết người – thì coi như họ đã có đủ bằng chứng để kết án ông ta vì tội đồng lõa giết người do ông ta là một phần của bộ máy diệt chủng của Đức Quốc xã.
Sau 18 tháng nghe lời khai, phiên tòa của Munich nhất trí phán quyết Demjanjuk có tội và tuyên án ông ta 5 năm tù giam. Demjanjuk, người phủ nhận từng làm bảo vệ trại tập trung, hiện đang tự do và sống tại miền nam nước Đức trong lúc chờ đợi kết quả kháng cáo của mình.
Công tố viên Kurt Schrimm cho hay văn phòng của ông sẽ rà soát hồ sơ để xem có trường hợp nào giống trường hợp của Demjanjuk hay không. Ông không đưa ra một con số cụ thể mà cho rằng có khoảng dưới 1000 trường hợp là nghi phạm hiện đang sống ở Đức và ở nước ngoài.
Ngay sau cuộc chiến tranh, các tên phát xít đầu sỏ như Hermann Goering đã bị kết án tại các phiên tòa tội phạm chiến tranh do Đồng minh mở. Còn những vụ điều tra các cấp thấp hơn được chuyển cho Đức thực hiện.
Nhưng nước Đức khi đó không đủ quyết tâm chính trị để theo đuổi các phiên tòa xét xử, và nhiều vụ kết thúc với án tù nhẹ hay trắng án; thậm chí với những nghi phạm ở cấp cao hơn Demjanjuk.
Nhưng thế hệ công tố viên và thẩm phán hiện nay của Đức tỏ rõ quyết tâm theo đuổi các phiên tòa khởi tố các nghi phạm ở cấp thấp hơn và Zuroff hoàn toàn ủng hộ việc này.
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa càng nhiều người ra công lí càng tốt,” Zuroff nói. “Họ không nên được để tự do chỉ vì họ ở cấp thấp hơn Mengele, hay Himler… với thảm kịch khủng khiếp đó thì việc hai tên phát xít trên thoát khỏi công lý không có nghĩa là việc những người ở cấp thấp hơn sẽ được bỏ qua.”
Lê Dung