Xe tăng Armata T-14 của Nga trình diễn, phương Tây 'lạnh gáy'
Lý do là bởi, thứ nhất, dựa trên những thông số về mặt tốc độ, khả năng xoay trở trên các điều kiện địa hình, hỏa lực và độ bền của xe tăng, phương Tây cho rằng Armata thực chất chỉ dùng vào mục đích tuyên truyền là chính và sẽ không thực sự có hiệu quả trên chiến trường.
Armata T-14 là mẫu xe tăng đầu tiên được thiết kế sau khi Liên Xô tan rã. |
Thứ hai là, một đất nước đã bị phương Tây cấm vận và có nền kinh tế rơi vào suy thoái như Nga liệu có thể tiếp tục đầu tư ngân sách đang ngày một giảm đi để chế tạo loại xe tăng thế hệ tiếp theo hay không. Nếu Tổng thống Vladimir Putin vẫn tiếp tục làm theo kế hoạch phát triển quân sự hiện tại, vốn được lập ra trong điều kiện kinh tế khác xa tình hình hiện nay, ông có thể sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng của đất nước vượt quá tổng sản phẩm quốc nội.
Tuy vậy, có một lý do chính đáng để Nga đầu tư mạnh vào nghiên cứu và thiết kế công nghiệp quân sự. Đó là Moscow có kế hoạch trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho rất nhiều nước trên thế giới đang có ý định nâng cao sức mạnh quân sự của mình. Nền công nghiệp quốc phòng của Nga về cơ bản đã có sẵn và được xây dựng trong nhiều năm từ thời Liên Xô cũ. Đó là một hệ thống gồm các công ty thiết kế, nhà máy, khu công nghiệp và khu vực thử nghiệm.
Ngay cả những nước như Trung Quốc và Ấn Độ, về mặt kinh tế họ vẫn phải phụ thuộc vào Nga thay vì tự mình thực hiện sản xuất vũ khí, họ có thể bỏ qua những bước phát triển ban đầu. Theo thời gian, bằng chuyển giao, vay mượn hoặc nghiên cứu công nghệ với Nga, các nước có thể dựng nên một nền công nghiệp quốc phòng nội địa của riêng mình.
Đối với Nga, việc tái thiết công nghiệp quốc phòng là một bước đi đúng đắn. Vài năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi hoạt động xuất khẩu vũ khí cùng với dầu mỏ, khí đốt và năng lượng hạt nhân là những thế mạnh của Nga trên trường quốc tế. Những kế hoạch ban đầu trong thập niên 90 nhằm biến các tổ hợp công nghiệp quốc phòng trở thành những nhà máy sản xuất đồ gia dụng đã thất bại.
Nguyên nhân một phần là vì Nga (cũng như các nước tách ra khỏi Liên Xô cũ như Ukraine) không thể cạnh tranh được với các nước châu Á về chi phí nhân công, cũng như họ không thể đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Do đó, một phần trong những nỗ lực nhằm tái công nghiệp hóa nước Nga là khôi phục nền công nghiệp quốc phòng và tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới đối với các loại vũ khí phức tạp.
Armata xuất hiện tại Quảng trường Đỏ, chuẩn bị cho Lễ diễu binh ngày 9/5. |
Vũ khí của Nga sẽ đóng vai trò chiến lược đối với những nước muốn mua chúng. Phần lớn các nước trên thế giới, cụ thể là những nước có quan hệ không tốt với Mỹ, đều hiểu rằng không có nước nào (ngoại trừ Trung Quốc) hiện nay có thể chống lại quân đội Mỹ trong một cuộc xung đột thông thường. Tuy nhiên họ cũng biết rằng, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ không còn một đối thủ thật sự có thể khiến công chúng nước này chấp nhận nhiều tổn thất về nhân mạng.
Do đó, Mỹ luôn tìm kiếm những lựa chọn không tốn chi phí, không gây tổn hại về nhân mạng khi tiến hành can thiệp, nhưng lại luôn yêu cầu quân đội mình phải vượt trội về mọi mặt. Như vậy, để các nước có thể đẩy lùi Mỹ, quân đội của họ không nhất thiết phải đủ sức để đánh bại Mỹ, mà phải đủ khả năng ngăn Mỹ can thiệp và đẩy chi phí quân sự (bao gồm nhân lực và các loại vũ khí có thể bị mất) của Mỹ lên cao hơn.
Dù vậy, nền công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ đứng trước một nguy cơ, đó là họ sẽ bán vũ khí của mình cho những nước mà sau này có thể sẽ xung đột với Nga (ví dụ như Trung Quốc). Tuy nhiên, trong tương lai gần, phần lớn các nước trên thế giới đều muốn tìm cách hạn chế và phong tỏa khả năng hoạt động của Mỹ. Việc có nhiều nước trên thế giới có trong tay những loại vũ khí mà Mỹ không muốn đối đầu sẽ là mối hiểm họa lâu dài đối với họ.
Khi xe tăng Armata T-14 xuất hiện trên Quảng trường Đỏ trong ngày lễ Chiến thắng 9/5, một vài khách hàng chính của Nga sẽ có mặt. Đối với Nga, thông điệp họ muốn đưa ra đó là Nga có những thiết bị quân sự có thể cạnh tranh với những loại vũ khí tốt nhất của Mỹ, và rằng Nga cần phải nỗ lực thêm nữa trong những năm tới để cung cấp các loại vũ khí tốt hơn.
Đồng thời Nga cũng thông báo với nhiều khách hàng trên thế giới rằng nền công nghiệp quốc phòng Nga có thể sản xuất những loại vũ khí không thua kém Mỹ. Nếu Nga có thể tìm được nhiều người mua, họ có thể bù đắp những chi phí quân sự và có nền tảng để các nhà thiết kế Nga dựa vào nhằm phát triển loại vũ khí mới hơn.
Đây có thể động lực cho phép Nga sản xuất các loại vũ khí tối tân và nước này hi vọng rằng, những bạn hàng của họ sẽ bị hấp dẫn với các loại thiết bị quân sự của họ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.