Xây dựng Bệnh viện Nội tiết mới hết gần 500 tỷ đồng
PGS.TS. Trần Ngọc Lương chuyển giao công nghệ phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Malaysia. |
Vốn nhà nước chỉ 25 %
Dự án Xây dựng mới bệnh viện Nội tiết Trung ương từ khi có quyết định phê duyệt đến nay đã 15 năm. Đã có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách, về quy mô đầu tư, về giá cả nguyên, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, về nhân sự cũng có nhiều thay đổi nhưng đến nay Dự án "Xây dựng mới Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ, là cơ sở mới khang trang, tiện nghi, để phục vụ công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ và điều trị thực hiện các chủ trương chống quá tải, chống nằm ghép của Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra.
Từ khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đồng bộ đến nay hàng ngày bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 750 đến 800 bệnh nhân đến khám ngoại và lượng bệnh nhân điều trị nội trú là từ 550 đến 600 bệnh nhân.Cho đến nay, số tiền dành cho dự án là gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, dự án xây dựng bệnh viện Nội tiết trung ương mới đã được điều chỉnh lần cuối tại quyết định số 5142/QĐ-BYT ngày 23/12/2013 của Bộ Y tế với tổng giá trị là hơn 497 tỷ đồng trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp là 25 % tương đương với 125 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng phát triển Việt Nam là 63 % tương đương với 294,7 tỷ đồng. Các nguồn vốn khác là 12 % tương đương với hơn 78 tỷ đồng. Trong khi đó đến ngày 30/6/2015 dự án đã giải ngân được 377, 6 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách là gần 120,1 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng là hơn 212 tỷ đồng, quỹ phát triển sự nghiệp là 45,3 tỷ đồng.
Hiện nay, theo phương án vốn đối ứng nguồn ngân sách nhà nước cấp là 30 %, bệnh viện phải vay 70 %, theo PGS Trần Ngọc Lương điều này là một khó khăn rất lớn với bệnh viện vì trước đây tổng mức đầu tư là 187 tỷ đồng theo phương án vay vốn bệnh viện chỉ phải vay 93 tỷ đồng nhưng đến nay tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lần cuối là 497 tỷ đồng, do vậy số tiền bệnh viện phải vay sẽ là khoảng 330 tỷ đồng.
Khó khăn vì chính sách chưa đồng bộ
PGS Trần Ngọc Lương cho biết hiện nay khó khăn bệnh viện gặp phải rất nhiều, trong đó đặc biệt là bệnh viện được Bộ xếp vào đơn vị tự chủ hoàn toàn chi tiêu thường xuyên. Hiện tại, Bệnh viện ngoài phải trả lương cho cán bộ viên chức còn phải chi trả thêm cả mức lương điều chỉnh lương cơ bản từ 830 nghìn đồng lên 1.050 nghìn đồng. Bệnh viện phải lo trả các khoản đóng góp cho cán bộ viên chức như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn đặc biệt là việc chi trả phụ cấp chế độ ưu đãi nghề và phụ cấp trực theo nghị định 56 của Chính phủ và nghị đihj 73 của Chính phủ.
Bình quân hàng tháng, bệnh viện phải lo 1,2 đến 1.5 tỷ đổng để chi cho các khoản trên cho dù còn chưa tính đến các hoạt động chi tiêu thường xuyên khác thuê ngoài như điện nước, vật tư văn phòng phẩm, nguyên vật liệu, công tác phí...Trong khi mức giá vinệ phí vẫn chỉ là một phần vì hiện tại nhà nước chỉ cho phép tính 3 trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Trong đó, yếu tố quan trọng là chi phí tiền lương, tiền công thực hiện dịch vụ là chưa được tính.
Do cơ chế chính sách nhà nước, giá cả nguyên nhiên liệu, vật liệu xây dựng luôn thay đổi tăng, chế độ tiền lương tăng trong khi giá thu một phần viện phí trong một thời gian dài không thay đổi. Điều này khiến việc thu – chi, trả nợ của bệnh viện gặp nhiều khó khăn.