Xâm hại tình dục trẻ em gây thương tổn nặng nề nhất cho nạn nhân
Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức đang xảy ra quá phổ biến và trở thành một vấn nạn gây nhức nhối trong đời sống xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục và con số này theo các chuyên gia chưa phải là con số phản ánh đúng tình trạng thực tế.
Từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Trong năm 2021 có 2.000 vụ trẻ bị xâm hại.
Chỉ tính riêng quý I năm 2022, phát hiện gần 450 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em hơn 300 vụ/317 đối tượng/309 trẻ em (chiếm 69,3%). Như vậy, trong 5 năm trở lại đây, có hơn 9.000 vụ xâm hại trẻ em.
Tại Hội thảo “Bảo vệ quyền trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em” do Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với tổ chức ChildFund Việt nam tổ chức trong hai ngày 15-16/11, Thạc sỹ, Luật sư Mai Bích Ngân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội băn khoăn thời gian qua công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được chính quyền, các hội, nhóm, đoàn thể và trường học tích cực tuyên truyền.
Đặc biệt, với hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành cho thấy rằng, chúng ta không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Hơn thế nữa, Luật Trẻ em năm 2016 cũng đưa ra những quy định rất chi tiết về các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động…
Điều 12 của Luật Trẻ em năm 2016 quy định: "Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển"…
“Vậy vì sao vẫn có hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại thể chất lẫn tinh thần trẻ em liên tục xảy ra?
Rất nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ ruột, nhưng nhiều người chứng kiến không lên tiếng tố cáo. Bạo hành và xâm hại trẻ em đang trở nên đáng báo động, với mức độ ngày một nghiêm trọng”, luật sư Bích Ngân đặt vấn đề.
Theo Luật sư Bích Ngân, các hình thức xâm hại trẻ em bao gồm:
Xâm hại về thể chất: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, các hành vi khác xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.
Xâm hại về tinh thần: lăng mạ, chửi mắng, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em.
Xâm hại xao nhãng: bỏ mặc, không quan tâm đến nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe, về an toàn, về nhu cầu được yêu thương của trẻ em.
Xâm hại tình dục: cưỡng ép, dụ dỗ trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục.
“Trong những hình thức xâm hại trẻ em, hình thức xâm hại về tình dục là hình thức xâm hại gây thương tổn nặng nề nhất, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần của trẻ em, để lại nỗi đau nhức nhối không chỉ cho trẻ em mà cho tất cả thành viên trong gia đình và cho toàn xã hội”, luật sư Bích Ngân phân tích.
Do đó, khi tiếp xúc với những trẻ em trong những vụ án mà trẻ em là nạn nhân của sự xâm hại theo luật sư Bích Ngân thì việc hiểu biết và nắm bắt được tâm lý của trẻ là vô cùng quan trọng, bởi nhờ có những kiến thức về tâm, sinh lý lứa tuổi, chúng ta mới có một cái nhìn tổng thể về diễn biến tâm lý của trẻ để từ đó có những biện pháp tiếp cận phù hợp bởi lúc này, trẻ vô cùng cần đến sự cảm thông, chia sẻ và động viên để vượt qua giai đoạn tâm lý rất khủng hoảng này.
Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương. Do đó, trẻ em cần được yêu thương và bảo vệ. Trước hết là trách nhiệm từ mỗi gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội.
N. Huyền