Washington Post: Quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế giảm mạnh
Theo đánh giá của các cuộc thăm dò dư luận mới nhất được tiến hành ở Mỹ và các đồng minh của Washington, ông Trump đã gây ra thiệt hại to lớn cho đất nước về khía cạnh chính sách đối ngoại.
Washington Post nhận định, quyền lực của Mỹ trên thế giới đã giảm xuống mức kỷ lục và phần lớn người Mỹ phản đối đường lối của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các chuyên gia của Washington Post cho hay các cuộc thăm dò dư luận tương tự cho thấy hy vọng ông Joe Biden sẽ có thể hóa giải điều này.
“Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ra ‘tác hại to lớn’ đối với chính sách đối ngoại của Washington, đồng thời khẳng định rằng nếu đối thủ đảng Dân chủ ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì sẽ có hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết”, Washington Post viết.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. (Ảnh: Reuters) |
Washington Post đưa tin, theo một nghiên cứu được thực hiện tại 13 quốc gia đồng minh của Washington do Trung tâm Nghiên cứu độc lập Pew Research Center thực hiện, uy tín của Mỹ trên thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, hiện tại chỉ có 26% ở Đức, 30% ở Hà Lan, 31% ở Pháp, 33% ở Australia - Thụy Điển, 35% ở Canada và 41% ở Nhật Bản - Anh, người được hỏi có thái độ tích cực với Mỹ. Trong số tất cả 13 quốc gia được khảo sát, Mỹ nhìn chung được đánh giá tích cực chỉ riêng ở Hàn Quốc.
Theo Washington Post, sự sụt giảm này một phần là do ông Trump phản ứng một cách vụng về với đại dịch Covid-19. Ví dụ, các phương pháp của Trung Quốc để chống lại Covid-19, theo khảo sát của Pew Research Center phổ biến hơn gấp đôi trên thế giới. Bản thân ông Trump cũng không “nổi tiếng” ở các nước được nghiên cứu so với những nhân vật như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ 16% người được hỏi tin tưởng vào chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Mỹ.
“Một cuộc thăm dò khác do Hội đồng Đối ngoại Chicago tổ chức ở Mỹ đã tiết lộ những xu hướng đáng khích lệ hơn cho thấy phần lớn người Mỹ phản đối chính sách biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump”, Washington Post viết. Theo nghiên cứu, 62% người được hỏi đồng ý với tuyên bố rằng đại dịch Covid-19 đã cho Mỹ thấy rằng nước này nên “phối hợp các nỗ lực và hợp tác với các nước khác để giải quyết các vấn đề toàn cầu” và 68% đồng ý rằng “sẽ tốt hơn cho tương lai của đất nước nếu Mỹ tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế”. Ngoài ra, 65% những người được khảo sát tin rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng “khá tích cực” đối với Mỹ.
Tuy nhiên, đa số công dân Mỹ ủng hộ “các trụ cột của chính sách đối ngoại của Mỹ đã trở thành truyền thống từ năm 1945 như: thương mại tự do, duy trì các mối quan hệ đồng minh và vai trò của Washington với tư cách là một nhà lãnh đạo quốc tế”. Theo Hội đồng Đối ngoại Chicago, tỷ lệ thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ toàn cầu hóa đã giảm từ 62% năm 2014 xuống còn 55% và 58% trong số họ tin rằng Mỹ nên là một quốc gia hoàn toàn tự cung tự cấp. Đồng thời, chỉ có 60% thành viên Cộng hòa ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (so với 85% số người ủng hộ đảng Dân chủ) và chưa đến một nửa trong số họ đồng ý rằng Mỹ nên bảo vệ các đồng minh ở các nước Baltic.
“Sự chia rẽ giữa những người ủng hộ hai đảng chính của Mỹ đặc biệt rõ ràng trong cách họ trả lời câu hỏi về các mối đe dọa chính đối với Mỹ”, Washington Post nhấn mạnh. Đặc biệt, vấn đề biến đổi khí hậu được 75% số người được hỏi thuộc đảng Dân chủ ủng hộ và đảng Cộng hòa chỉ có 21%. Trong khi đó, 61% thành viên đảng Cộng hòa coi “dòng người nhập cư và người tị nạn đến đất nước” là một trong những mối đe dọa, trong khi những người theo đảng Dân chủ chỉ là 13%. Đồng thời, 80% thành viên đảng Cộng hòa coi Mỹ là “quốc gia tốt nhất trên thế giới” và số đảng viên đảng Dân chủ chỉ nhận được 35% số người được hỏi đồng ý với điều này.
Thanh Bình (lược dịch)