Vượt tuyến lên BV trung ương, Bảo hiểm y tế chỉ chi trả 20%
Nhiều điểm mới trong luật BHYT sửa đổi lần này. |
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 7, tháng 5/2014 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Điểm nổi bật của dự thảo Luật mới quy định “bắt buộc” người dân tham gia BHYT.
Để thực hiện tốt “bắt buộc” BHYT toàn dân, dự thảo bổ sung lần này cũng sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng như hiện nay sẽ chia thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng và định hướng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.
Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình trước mắt được thực hiện với nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT để tránh tình trạng lựa chọn ngược, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT và không mang tính chia sẽ cộng đồng.
BHYT hộ gia đình là con đường nhanh nhất để tiến tới BHYT toàn dân. Trong đó, các thành viên tham gia BHYT sẽ được giảm chi phí đóng. Người thứ hai trong hộ gia đình đóng bảo hiểm sẽ được giảm 30% số tiền mua thẻ. Trước đây, số tiền này chỉ được giảm 10%.
Ngoài ra khái niệm "Gói dịch vụ y tế cơ bản" được BHYT chi trả cũng được đưa ra thảo luận, xin ý kiến. Gói này bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB, phục hồi chức năng, dự phòng.
Gói dịch vụ y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với khả năng chi trả phù hợp của quỹ BHYT và sẽ xác định minh bạch và rõ ràng hơn những gì khi người tham gia BHYT được hưởng lợi từ chính sách y tế. Bà Hương nhấn mạnh gói dịch vụ mới này sẽ mở rộng ở danh mục các dịch vụ y tế của BHYT trước đó chứ không có chuyện thu nhỏ quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ngoài ra, BHYT sẽ chi trả trong trường hợp người bệnh tự tử, tự gây thương tích. Bà Hương cho rằng vấn đề này mang tính nhân văn hơn của BHYT.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ BHYT chỉ có giá trị 72 tháng sẽ được nới rộng cho đến khi trẻ đi học tiểu học. Như thế, trẻ em sẽ được hưởng BHYT liên tục. Những trẻ không có thẻ BHYT sẽ được BHYT thanh toán theo giấy khai sinh, người giám hộ.
Ðáng chú ý, cơ chế thanh toán BHYT đối với những trường hợp đi KCB vượt tuyến, trái tuyến sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Bà Hương cho biết hiện nay quỹ BHYT đang thanh toán cho người bệnh KCB vượt tuyến, trái tuyến ở mức khá cao 30%, 50%, 70%, dẫn đến nhiều người bệnh dù bệnh nhẹ vẫn vượt tuyến lên tuyến trên KCB khiến nhiều bệnh viện tuyến trên rơi vào tình trạng quá tải.
Ðể khắc phục tình trạng này, trong dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định thanh toán chi phí KCB ở nước ngoài, đồng thời giảm tỷ lệ chi trả chi phí KCB vượt tuyến, trái tuyến tại các cơ sở KCB tuyến Trung ương từ 30% xuống 20%.