Vũng Tàu quyết tâm giữ vững danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN
Sau 2 lần được công nhận là Thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố biển Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực không ngừng để giữ vững danh hiệu này và đang dồn tổng lực để chuẩn bị cho ngành du lịch một cuộc bứt phá mới: "Thành phố Du lịch Chất lượng cao đẳng cấp quốc tế".
Lắng nghe ý kiến từ du khách và các doanh nghiệp để cải thiện môi trường du lịch là cách mà chính quyền TP Vũng Tàu thực hiện trong thời gian qua để giữ vững danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN.
Bên cạnh việc bảo vệ môi trường sạch đẹp, an toàn TP Vũng Tàu cũng nỗ lực khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử sẵn có, xử lý nghiêm các, quán ăn, nhà hàng "chặt chém", yêu cầu thực hiện niêm yết giá và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng đang được chú trọng để hướng tới xây dựng một thành phố đáng sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang hình thành các khu du lịch chất lượng cao. Định hướng trong thời gian tới, Vũng Tàu không chỉ là trung tâm du lịch cấp vùng, cấp quốc gia mà phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
.Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết: "Thành phố Vũng Tàu tuyên truyền người dân cùng với đảng bộ chính quyền và du khách tăng cường hơn nữa công tác giữ gìn vệ sinh bằng cái việc xây dựng rất nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể ra quân vào các ngày thứ 7, chủ nhật xanh trên phạm vi toàn thành phố. Và chương trình này đã thực hiện suốt thời gian vừa qua. Lãnh đạo thành phố rất trân trọng tự hào khi người dân và du khách trân trọng môi trường sống xung quanh và chung tay xây dựng và giữ gìn thành phố Vũng Tàu luôn xanh sạch đẹp".
Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh, trong đó du lịch sinh thái là một trong tám loại hình du lịch được xác định phát triển mạnh trong giai đoạn 2020-2025. Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, khu Ramsa biển – đảo Vườn quốc gia Côn Đảo, sông, biển… là những nguồn tài nguyên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Những mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng dựa trên thế mạnh, điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Khu công viên ca cao, với diện tích 46 ha của Công ty cổ phần Binon Cacao, xã Xà Bang, huyện Châu Đức đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ; tham quan các vườn ca cao, tự tay thu hoạch trái ca cao, nếm thử vị của hạt ca cao tươi và được hướng dẫn quy trình sản xuất ra bột ca cao. Đặc biệt, du khách được khám phá và thử thách khả năng sáng tạo của bản thân bằng việc tự tay làm ra những thanh socola. Sản phẩm du khách làm ra sẽ được mang về ăn hoặc làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề ra nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, biển, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Đó là: xác định rõ ranh giới cho thuê môi trường rừng ngoài thực địa và trên bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng, xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng, biển.
Các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, biển; đẩy mạnh các hoạt động trồng bổ sung cây xanh bản địa đối với diện tích đất trống phù hợp với điều kiện sinh thái và những cây gỗ bản địa có giá trị cao về kinh tế.
Tại Vườn phát triển các cây đặc sản rừng, cây thuốc bản địa và nuôi cấy, khoanh nuôi phục hồi san hô, di dời và cứu hộ rùa biển để giới thiệu đến du khách. Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng phát triển các chương trình truyền thông, giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, người dân và du khách thông qua các trò chơi, diễn giải môi trường, hướng dẫn du khách ứng xử tốt với môi trường.
NH