Vụ xả súng ở California là “một hành động khủng bố”
Tối 4/12, ông Bowdich cho biết FBI đã tìm được các bằng chứng cho thấy đây là một vụ tấn công được lên kế hoạch kỹ càng. Một số đoạn đối thoại giữa một tay súng với những người khác đang được phân tích. Công bố trên có nghĩa là Cục điều tra Liên bang Mỹ sẽ tiếp quản vụ việc thay cho cảnh sát thành phố San Bernardino.
“Hôm nay, dựa trên những thông tin và sự thật mà chúng tôi biết, chúng tôi khẳng định rằng đang điều tra vụ xả súng nói trên theo hướng một hành động tấn công khủng bố”, ông Bowdich, trợ lý giám đốc FBI tại Los Angeles nói.
FBI công bố ảnh của vợ chồng thủ phạm vụ xả súng. Nguồn: NBC News |
Ngay sau đó, các điều tra viên FBI, Mỹ, đã công bố ảnh của thủ phạm nữ tham gia vụ xả súng kinh hoàng ở San Bernardino khiến 14 người thiệt mạng. Theo đó, Tashfeen Malik đã đăng một lời cam kết trung thành với thủ lĩnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi trên Facebook ngay khi cùng chồng xả súng vào trung tâm người khuyết tật.
Tài khoản của Malik sử dụng dưới một cái tên khác. Một quan chức Facebook cho CNN biết, bài viết đó được đăng lúc 11h ngày 2/12, đã vi phạm quy định của trang mạng xã hội này về việc tuyên truyền cho chủ nghĩa khủng bố nên đã bị gỡ xuống vào hôm sau. Facebook đang tiến hành hợp tác với lực lượng chức năng để điều tra vụ việc.
Theo một nguồn tin cảnh sát, vụ xả súng là do IS kích động nhưng không phải do một chỉ huy nào của IS trực tiếp chỉ đạo. IS luôn kêu gọi mọi người trên thế giới tổ chức các cuộc tấn công mang danh của tổ chức này nhưng đến nay vẫn chưa đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ xả súng ở San Bernardino.
Malik và chồng là Syed Rizwan Farook, đã xông vào bữa tiệc ở trung tâm xã hội nơi Farook từng làm việc và xả súng liên tiếp. Sau đó, cặp đôi này đã bị cảnh sát bắn chết trên đường chạy trốn. Chưa có ai bị bắt thêm vì liên quan đến vụ việc nhưng cảnh sát cho biết có thể sẽ điều tra một số đối tượng khác.
Họ hàng của Farook không hề biết đôi vợ chồng này có những tư tưởng hồi giáo cực đoan và không biết tại sao họ lại xả súng bào những đồng nghiệp cũ. Người thân của hai vợ chồng cũng không biết họ có một phòng chế tạo bom ngay trong căn hộ sinh sống cùng với cô con gái 6 tháng tuổi và mẹ đẻ của Farook.
Theo ABC News, Malik sinh tại Pakistan nhưng đã chuyển tới Ả Rập Saudi khi mới lên 4 tuổi. Khi lớn lên, cô ta đi lại liên tục giữa Saudi và Pakistan và học trường Đại học Bahuddin Zakri ở quê nhà từ 2007 đến 2012. Theo tình báo Pakistan, Malik được đánh giá là sinh viên xuất sắc, nhưng chưa thể hiện rõ khuynh hướng tôn giáo và chính trị.
Malik đã gặp gỡ Syed Rizwan Farook, người đàn ông Mỹ gốc Pakistan sinh ở Chicago trên một trang kết bạn trực tuyến. Năm 2013, Farook đã gặp Malik cùng gia đình cô khi tới Ả Rập Saudi. Đến tháng 7/2014, Farook trở lại Mỹ cùng Malik và cặp đôi dự định sẽ kết hôn vào tháng tới.
Bài viết tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.