Vụ vay hơn 100 triệu đồng bị 'giang hồ' đến đòi 5,1 tỷ đồng: Công an TP Hà Nội đang điều tra
Ổ nhóm tội phạm chuyên nhận hợp đồng, giữ người trái pháp luật, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, hoạt động ở quận Nam Từ Liêm vừa bị triệt phá. Công an Hà Nội đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hà Nội, ổ nhóm tội phạm chuyên nhận hợp đồng, giữ người trái pháp luật, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản đòi nợ thuê do Mai Văn Sự cầm đầu, hoạt động trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, đã bị cơ quan công an triệt xóa.
Trưa 9/11, trao đổi với PV Infonet về thông tin một người vay hơn 100 triệu đồng bị "giang hồ" đến đòi 5,1 tỷ đồng xảy ra ở quận Nam Từ Liêm, một cán bộ Đội hình sự Công an quận này cho biết vụ việc đang được Công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ.
Trước đó, ngày 16/10, PC02 phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Mai Văn Sự (SN 1977), Lê Minh Đức (SN 1999), Cao Văn Lâm (SN 1997) và Phan Hữu Việt (SN 1995, cùng trú tại Hà Nội) có hành vi "Giữ người trái pháp luật" và "Cưỡng đoạt tài sản" tại căn nhà thuộc khu đô thị FLC Đại Mỗ; đồng thời bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Chiến (SN 1962, trú tại Hà Nội).
Đối tượng Mai Văn Sự cầm đầu đường dây cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê. |
Cơ quan chức năng xác định, thông qua các mối quan hệ xã hội, Chiến nhờ Sự đòi nợ Ngô Thị Cúc (trú tại Nam Từ Liêm) với số tiền vay nợ theo lời Chiến là hơn 5,1 tỷ đồng. Sự yêu cầu Chiến làm hợp đồng ủy quyền đi đòi nợ và hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại.
Từ ngày 13/10, Sự đến nhà Cúc đòi nợ và yêu cầu Cúc trả số tiền trên. Tuy nhiên, Cúc không thừa nhận số tiền 5,1 tỷ và nói chỉ nhận của Chiến 100 triệu đồng và 6 chỉ vàng. Sau đó, Cúc trình báo vụ việc tới cơ quan công an địa phương.
Công an đã lập biên bản sự việc để phòng ngừa, yêu cầu giải quyết tranh chấp nợ theo đúng quy định của pháp luật và cho hai bên về. Tuy nhiên, Sự không chấp hành mà cùng với đàn em ăn ở trước nhà Cúc, canh không cho Cúc đi đâu để gây sức ép.
Chưa dừng lại ở đó, Sự còn in tờ rơi với nội dung đe dọa, gây mất thanh danh, uy tín của Cúc và dán lên nhà 'con nợ' cùng những nơi xung quanh để gây sức ép.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) phân tích: “Quan hệ vay, mượn tiền bản chất là quan hệ dân sự. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp số tiền vay, giao tiền vay theo thỏa thuận và họ có quyền yêu cầu bên vay phải thanh toán khoản nợ đó khi đến hạn.
Trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản thì có quyền yêu bên còn lại thực hiện các nghĩa vụ phát sinh. Việc đòi tiền được thực hiện dưới 2 hình thức là thỏa thuận hoặc đưa ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết khi có tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ.
Về việc đòi nợ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và một số luật khác có liên quan, Nhà nước đã cấm ngành nghề kinh doanh "thu hồi nợ" (còn gọi là "đòi nợ thuê"), chính vì thế, các hành vi đòi nợ thuê đều là hành vi bất hợp pháp”.
Ổ nhóm hoạt động 'đòi nợ thuê' vừa bị cơ quan công an triệt phá. |
Theo luật sư Hoàng Tùng, trong vụ việc này cũng vậy, việc tranh chấp đối với khoản vay, nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện bằng các quy định của pháp luật. Việc thuê người đòi nợ và sử dụng các biện pháp bạo lực vật chất, bạo lực tinh thần để ép con nợ phải thanh toán nợ có dấu hiệu của tội "Cưỡng đoạt tài sản". Việc giữ người, cản trở quyền tự do đi lại, liên lạc và các quyền khác của nhóm đối tượng có dấu hiệu của hành vi "Giữ người trái pháp luật".
Quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự về tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" nêu: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 170 Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt tội "Cưỡng đoạt tài sản" như sau: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
“Đối với người cho vay, việc thuê nhóm đối tượng đi đòi nợ như đã nêu ở trên cũng là đồng phạm của các hành vi phạm tội này. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, nếu xác định được Nguyễn Thị Chiến có hành vi cho vay với lãi suất cao, vượt quá mức quy định của Bộ luật Dân sự thì có thể sẽ bị xử lý thêm về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự".
Còn với người vay trong vụ việc này, dù các đối tượng đòi nợ có hành vi với dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có thể sẽ bị xử lý hình sự, thì trách nhiệm trả nợ của người vay vẫn phải thực hiện bình thường theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
Sông Yên