Vụ tấn công ở Jakarta đã được đoán trước
Hồi tháng 12/2015, cảnh sát Indonesia xác nhận 13 khu vực ở quốc đảo này có nguy cơ bị tấn công khủng bố trong năm 2016 bao gồm hòn đảo đông dân cư nhất là Java, thủ đô Jakarta và hòn đảo du lịch Bali.
Cảnh sát, quân đội cùng các ban ngành chính phủ, đại sứ quán nước ngoài, khu vực tập trung công dân phương Tây, những người không theo đạo Hồi, khách sạn và các trung tâm mua sắm đều nằm trong phạm vi có nguy cơ bị khủng bố tấn công.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ởthủ đô Jakarta. |
Cảnh sát trưởng Indonesia, ông Badrodin Haiti cũng từng nhấn mạnh chính quyền nước này đã nhận được những bằng chứng xác minh các vụ tấn công khủng bố đã được lên sẵn kế hoạch.
"Nó có thể chỉ là một cuộc tấn công đơn lẻ, có thể là tấn công hàng loạt gây thương vong lớn. Quy mô phụ thuộc vào sự chuẩn bị và kế hoạch của những kẻ khủng bố", ông Haiti nói.
Riêng trong tháng 12/2015, cơ quan chức năng Indonesia đã bắt giữ 9 nghi phạm khủng bố liên quan tới kế hoạch tấn công ở Sumatra, Java và Kalimantan. Những tài liệu thu thập trong đợt bắt giữ các nghi phạm cho thấy chúng đã lên kế hoạch "cùng phối hợp tấn công" ám chỉ hành động đánh bom tự sát. Ngoài ra, cảnh sát còn thu được các tấm bản đồ vẽ khu vực rộng lớn Jakarta cùng 5 thành phố khác của Indonesia, vật liệu chế tạo bom bao gồm kíp nổ cùng hóa chất và sổ tay ghi chép của các phần tử cực đoan.
Trong quá khứ, Indonesia cũng từng chứng kiến không ít các vụ tấn công khủng bố gây thiệt hại lớn về người. Cụ thể, hôm 24/12/2000, Indonesia đã phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Thủ phạm gây ra vụ tấn công khiến 18 người thiệt mạng được xác định là các thành viên thuộc mạng lưới al-Qaeda và nhóm chiến binh Hồi giáo mang tên Jamaat Islamiyah.
Nghiêm trọng hơn hôm 13/10/2002, một quả bom phát nổ tạo ra đám cháy khủng khiếp tại một hộp đêm trên hòn đảo du lịch Bali nổi tiếng của Indonesia. Theo AP, vụ việc khiến ít nhất 182 người thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương. Nhiều người trong số này là các khách du lịch đến từ Úc, Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển.
Trong khi đó, trước nay các tay súng thuộc tổ chức Chiến binh Đông Indonesia thường xuyên tổ chức tấn công cảnh sát vì cho rằng tín đồ Hồi giáo trở thành nạn nhân chính trong các chiến dịch do cảnh sát tiến hành.
Nhà phân tích nguy cơ Sidney Jones phụ trách Viện Phân tích chính trị các xung đột ở Jakarta (Indonesia) cho hay khoảng 300 đối tượng Indonesia đã sang Trung Đông gia nhập khủng bố, trong đó gồm 160 nam giới, 40 phụ nữ và 100 thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Trong đó, gần 100 tên thiệt mạng trong các trận đánh do Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tiến hành.