Vụ tấn công hóa học ở Idlib có khả năng bị dàn dựng?
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Vị trí vũ khí hóa học phát tán chất độc tại Khan Sheikhun cho đến nay vẫn chưa được xác định. Người dân thị trấn vẫn sinh hoạt như bình thường. Không có ai tại đây yêu cầu dược phẩm, thuốc giải độc và các chất khử nhiễm”.
Một khu vực đổ nát tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, Syria. |
“Có thể thấy rõ rằng, không có một quá trình điều tra nào sẽ được thực hiện nhằm xác định ai là kẻ có trách nhiệm thực sự đằng sau vụ tấn công”, ông nói.
Cho đến nay, hai đoạn phim về vụ tấn công do lực lượng cứu hộ White Helmets đăng tải là bằng chứng duy nhất về vụ tấn công ở Idlib. “Đã hai tuần trôi qua kể từ khi vũ khí hóa học được cho là đã được sử dụng tại Khan Sheikhun. Tuy nhiên, chỉ có hai đoạn phim của White Helmets được coi là những “bằng chứng” của vụ việc”, ông Konashenkov cho biết.
Hiện tại, các kênh thông tin của Mỹ, Anh và các nước Châu Âu vẫn chưa cho thấy những hình ảnh nào khác về các nạn nhân hay những người đã cứu sống họ, ngoại trừ những người được nêu ra trong hai đoạn phim trên. Tính xác thực của nội dung các đoạn phim cũng được đặt dấu hỏi lớn.
“Những chuyên gia trên các kênh truyền hình này không giải thích được vì sao những người thuộc White Helmets có thể làm việc trong khu vực có khí độc trong thời gian dài như vậy khi không được trang bị mặt nạ phòng độc và các bộ đồ bảo hộ chuyên dụng mà vẫn còn sống. Điều này lại càng đáng nghi hơn khi các chính trị gia phương Tây đã nhanh chóng chỉ tay vào “thủ phạm” mà không kiểm tra kỹ lưỡng”, ông Konashenkov nói.
Vào ngày 4/4, một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib (Syria) khiến khoảng 80 người thiệt mạng và 200 người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Phe đối lập cũng như một số quốc gia phương Tây đã cáo buộc quân đội Assad gây ra vụ việc, song Damascus đã lên tiếng phủ nhận, nói rằng họ không có vũ khí hóa học.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc không kích gần Khan Sheikhun của không quân Syria đã đánh trúng một nhà kho chứa vũ khí hóa học của quân khủng bố, và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra kỹ càng đối với vụ việc này.
Sau đó, vụ việc này trở thành lý do Mỹ tiến hành tấn công tên lửa vào căn cứ Shayrat vào đêm ngày 6/4. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là hành động đáp trả quân đội Syria dùng vũ khí hóa học, còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó vào năm 2013, theo một thỏa thuận do Nga và Mỹ lập nên sau vụ tấn công bằng khí sarin, chính quyền Syria đã tham gia Công ước Cấm Vũ khí Hóa học và đồng ý giải giáp số vũ khí hóa học mà họ đang sở hữu dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW). Tháng 1/2016, OPCW tuyên bố toàn bộ vũ khí hóa học của quân đội Syria đã bị tiêu hủy.