Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Y tế: Người bệnh muốn gì cũng phải theo quy định!
Người bệnh không phải muốn gì được nấy!
- Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương khiến nhiều người không khỏi băn khoăn không hiểu người bệnh có những quyền gì, thưa bà?
Ths Trần Thị Trang: Người bệnh có rất nhiều quyền: Quyền khám chữa bệnh có chất lượng, quyền được tôn trọng, được bảo vệ sức khoẻ, được tư vấn, cung cấp thông tin, thậm chí là được từ chối khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tất cả các quyền này phải trên cơ sở quy định của pháp luật.
Đã không ít các trường hợp thầy giỏi trong nghề mà vẫn phải nhờ đồng nghiệp mổ cho người thân của mình vì sợ yếu tố tâm lý, tình cảm chi phối.Ảnh minh họa |
Ví dụ: Theo Điều 7 Luật Khám chữa bệnh, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế: Theo đó, người bệnh được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.
- Trong trường hợp cụ thể, GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương có làm sai luật khi từ chối mổ cho một bệnh nhân khám dịch vụ với bệnh trạng không ở mức cấp cứu?
Theo tôi, người bệnh được tư vấn và lựa chọn dịch vụ nhưng không có nghĩa muốn gì cũng được. Bệnh ở mức độ nào thì sẽ được điều trị bằng phương pháp, thầy, thuốc, thiết bị... phù hợp. Không thể vì có tiền, có quyền mà có thể yêu cầu ai chữa cũng được.
Điều này chỉ có thể được nếu khám theo dịch vụ. Lúc đó là sự đồng thuận giữa thầy thuốc và người bệnh. Trường hợp anh chọn tôi, tôi sẽ điều trị nếu tôi có thời gian, đúng chuyên môn và anh phải chi trả tương xứng với dịch vụ cung cấp cho anh.
Tôi phải nhấn mạnh lại rằng, người bệnh có quyền lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh. Nhưng quyền ấy phải trong khuôn khổ quy định và điều kiện thực tế chứ không thể muốn gì được nấy, không giới hạn!
Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang |
Từ chối không phải y đức có vấn đề
Nếu người bệnh có quyền được khám chữa bệnh theo yêu cầu thì chắc chắn người thầy thuốc cũng có quyền chứ, thưa bà?
Hiển nhiên là có rồi! Nhưng quyền của thầy thuốc như thế nào lại phải gắn liền với nghĩa vụ của họ. Theo luật, thầy thuốc có quyền được hành nghề đúng phạm vi chuyên môn, được quyết định, chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị, được bảo đảm an toàn khi hành nghề.
Có quy định nào cho phép bác sĩ từ chối bệnh nhân không?
Trong một số trường hợp, thầy thuốc được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu tiên lượng bệnh vượt quá khả năng, trái với phạm vi hoạt động chuyên môn, trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Nhưng không có nghĩa là ngoài các trường hợp đó ra mà từ chối thì đều vi phạm. Bởi vì, ngoài quyền còn có các nghĩa vụ của thầy thuốc. Nếu không phải là điều cấm, không phải là những việc, những nghĩa vụ bắt buộc phải hành động hoặc không hành động thì thầy thuốc có thể được từ chối khi có căn cứ và lý do chính đáng và họ không bị coi là vi phạm.
Không phải thầy thuốc cứ từ chối là y đức có vấn đề |
Và bắt buộc phải khám chữa bệnh trong mọi điều kiện?
Theo tôi thì trong các nghĩa vụ của thầy thuốc như: kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tôn trọng các quyền của người bệnh; bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh; tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình; giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh; thực hiện đạo đức nghề nghiệp; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai….
Đặc biệt, người thầy thuốc không có nghĩa vụ phải khám chữa bệnh trong mọi điều kiện. Cũng chưa có điều luật cụ thể nào cho phép người bệnh được đơn phương chọn thầy thuốc theo ý muốn mà phải tuân theo quy trình, quy định và phân công của cơ sở khám chữa bệnh.
Như thế, thầy thuốc có thể từ chối yêu cầu điều trị nếu tại thời điểm đó họ đang cấp cứu người bệnh, đã kín lịch làm việc hoặc không được phân công của người có thẩm quyền. Trong trường hợp này, cơ sở khám chữa bệnh vẫn phải tiếp nhận, phân công một thầy thuốc phù hợp để điều trị, chăm sóc, theo dõi nếu đúng phạm vi chuyên môn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bác sĩ từ chối mổ cho bệnh nhân là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bà có thể bình luận gì về điều này?
Tôi khẳng định không phải cứ từ chối là y đức có vấn đề. Nếu anh non tay nghề, không đúng chuyên môn mà vẫn cứ cố chữa thì sẽ hại người bệnh và chính bản thân mình. Hoặc nếu bác sĩ có áp lực, ức chế tâm lý mà vẫn cầm dao mổ thì rủi ro sẽ rất cao.
Đã không ít các trường hợp thầy giỏi trong nghề mà vẫn phải nhờ đồng nghiệp mổ cho người thân của mình vì sợ yếu tố tâm lý, tình cảm chi phối. Những trường hợp như thế, từ chối mới chính là vì người bệnh !
Xin cảm ơn bà!