"Vũ khí bí mật" giúp chiến dịch không kích của Nga thắng lợi ở Syria
Biên tập viên mảng quân sự của tạp chí National Interest, ông Dave Majumdar cho rằng không ít chuyên gia phân tích nhận định các cuộc không kích của Nga ở Syria đã phát huy hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Vậy vũ khí bí mật của Nga là gì? Đơn giản, Moscow đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ binh của quân đội chính phủ ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
"Chiến dịch của phương Tây chống lại IS đã thất bại vì họ không có mạng lưới tình báo con người. Người Nga ngày càng hiểu rõ hoạt động tại Syria", nhà phân tích Kamal Alam tại Viện Nghiên cứu Royal United Services Institute nhấn mạnh.
Các cuộc không kích của Nga ở Syria được đánh giá phát huy hiệu quả hơn nhiều so với chiến dịch không kích của Mỹ trong hơn 1 năm qua. |
Nói cách khác, sự thiếu vắng lực lượng bộ binh giúp xác định các mục tiêu dưới mặt đất chắc chắn đã làm giảm hiệu quả tấn công của chiến dịch không kích mà liên quân của Mỹ tiến hành trong hơn một năm qua kể từ giữa năm 2014.
Dù quân đội Mỹ nắm trong tay hàng loạt phương tiện giúp thu thập thông tin tình báo tại Iraq và Syria bao gồm vệ tinh, máy bay, song để xác định chính xác mục tiêu tấn công trong những khu vực đông dân cư lại là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, trong những năm gần đây, mạng lưới thiết bị tình báo của Mỹ trong khu vực cũng được bố trí rất mỏng.
Còn theo nhà nghiên cứu Matthew McInnis tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, các lực lượng quân sự Iran cũng đăng tăng cường phối hợp với đội quân của Tổng thống Assad. Thậm chí, dù không tham gia chiến đấu trên chiến trường, các lực lượng Iran vẫn cố vấn đường lối lãnh đạo chiến lược, chiến thuật và tình báo cho quân đội Syria. Nhưng không rõ, trong tương lai, quân đội Iran có tham gia chiến dịch không kích của Nga ở Syria hay không.
Ông McInnis cho rằng lực lượng Syria dường như tỏ ra không hài lòng với việc bị Iran kiểm soát. Song, nếu Tehran tham gia chiến dịch quân sự của Nga, Moscow sẽ giúp Syria giảm bớt tham vọng của Iran.
Hồi tháng 11/2014, trong chuyến thăm tới căn cứ không quân Langley-Eustis của Mỹ ở Hampton, Virginia, giới phân tích tình báo đã mô tả những thách thức mà họ đối mặt khi xác định mục tiêu tấn công trong chiến dịch không kích của Mỹ. Theo họ, với những khu vực như ở Syria và Iraq, thật khó để xác minh đâu là các tay súng thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong số các chiến binh Peshmerga người Kurd hoặc các thành viên đồng minh của Iraq hay quân nổi dậy Syria.
Đại tá Tim Haugh, chỉ huy đơn vị 480 tại căn cứ Langley nhấn mạnh trong chiến dịch quân sự ở Iraq, các đơn vị quân đội Mỹ đã được huy động để cung cấp thông tin tình báo dưới mặt đất và thu thập nhiều thông tin khác.
"Ngoài yếu tố tình báo con người cần có thêm sự hiện diện của lực lượng bộ binh. Nếu như khi chúng ta quan sát một góc phố và không chắc ở đó có gì, chắc chắn chúng ta cần một đội quân tới đó để xác minh", ông Haugh nói.
Còn tại những nơi không triển khai lực lượng bộ binh, các nhà phân tích thuộc Không quân Mỹ chỉ dựa vào thông tin được đại sứ quán Mỹ ở địa phương cung cấp để xác định mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, Mỹ lại không có bất cứ nhà ngoại giao nào hoạt động tại Syria trong khi đại sứ quán Mỹ ở Iraq lại nằm ở Baghdad, cách xa khu vực mà IS chiếm đóng ở Syria.
Theo Giám đốc điều hành Trung tâm các lợi ích quốc gia Mỹ, ông Paul Saunders, không có bằng chứng nào cho thấy các lực lượng quân sự đặc nhiệm của Nga được huy động làm nhiệm vụ ở Syria để thu thập thông tin về mục tiêu tấn công. Thay vào đó, Không quân Nga chỉ dựa vào nguồn tin tình báo của binh lính Syria.
Đối với Nga, phối hợp hoạt động với lực lượng bộ binh Syria không chỉ giúp xác định mục tiêu tấn công mà còn giúp Moscow thể hiện mục đích triển khai chiến dịch không kích chỉ nhằm tiêu diệt những mối đe dọa trực tiếp nhằm vào quân đội của chính quyền Tổng thống Assad.
"Nga nhấn mạnh họ là lực lượng duy nhất được chính phủ Syria chính thức đề nghị triển khai hành động quân sự ở nước này. Các cuộc không kích của Nga phát huy tác dụng là nhờ phối hợp hành động với lực lượng bộ binh Syria. Ngoài ra, Nga dường như sẵn sàng nắm vị thế gây sức ép tới bàn đàm phán cuối cùng nhằm kết thúc giao tranh ở Syria. Còn hiện nay, chính phủ Nga vẫn chưa huy động hết lực lượng để chấm dứt xung đột ở Syria", ông Saunders nhận định.