Vụ chạy thận ở Hòa Bình: BS Lương và GĐ Công ty Thiên Sơn sẽ kháng cáo
Một ngày sau khi TAND TP Hòa Bình tuyên bản án sơ thẩm vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa trong chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, trao đổi với PV Infonet, chị Dương Thị Mây – vợ của bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) – cho biết, Bùi Mạnh Quốc chấp nhận bản án và sẽ không kháng cáo đối với bản án sơ thẩm tuyên ngày 30/01/2019.
Theo bản án này, Bùi Mạnh Quốc bị TAND TP Hòa Bình tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù (54 tháng) về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 98 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Thời gian áp dụng tính từ ngày bị tạm giam, 29/5/2017.
“Chúng em chọn dừng lại vì nếu cố đi tiếp anh Quốc sẽ rất mệt mỏi, nên dừng lại là cách tốt nhất”, chị Dương Thị Mây nói.
Chị Dương Thị Mây, vợ bị cáo Bùi Mạnh Quốc trong ngày tòa tuyên án, 30/01/2019. |
“Chồng em có nói với em rằng từ trước đến nay anh ấy không hề làm cẩu thả, nhưng 9 người tử vong cũng là một phần trách nhiệm của mình”, chị Mây nói tiếp, đồng thời cho biết luôn tôn trọng chồng vì Quốc là người dám nhận trách nhiệm về mình.
Người phụ nữ trẻ sinh năm 1991 khẳng định chồng mình là một người lương thiện, suốt 12 năm làm nghề chưa từng bị khách hàng phàn nàn, và luôn làm việc bằng lương tâm của mình.
“Một số người nói những lời ác ý với chồng em, nhưng dù sao thì mọi việc cũng đã qua rồi, lời nói của người khác giờ đây đã không còn quan trọng. Quan trọng là chồng em sống đúng với lương tâm của mình”.
Bùi Mạnh Quốc (áo kẻ) chấp nhận mức án 4 năm 6 tháng tù. |
Được biết, ngay sau khi xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, gia đình Bùi Mạnh Quốc đã chủ động hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng và bồi thường 7,5 triệu đồng/nạn nhân.
Bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn là những người phải liên đới bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, HĐXX cũng xác định 3 bị cáo Quốc, Lương và Sơn là người của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình và Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Do đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường theo tỷ lệ lần lượt là 70%-30%.
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương – luật sư của ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) – khẳng định thân chủ của bà sẽ có đơn kháng cáo.
TAND TP Hòa Bình tuyên phạt ông Đỗ Anh Tuấn mức án 2 năm 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.
“Bản án sơ thẩm đã không còn khẳng định ông Đỗ Anh Tuấn là chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", và cũng không còn khẳng định ông Tuấn "không giám sát sửa chữa hệ thống RO số 2" như Viện Kiểm sát luận tội nữa, nhưng HĐXX lại đưa ra khái niệm mới là ông Tuấn cùng chịu trách nhiệm với ông Trương Quý Dương. Thật không hiểu nổi”, luật sư Đinh Hương nói.
Giám đốc Công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (ngoài cùng bên phải) tại phiên tòa. |
Cùng với việc khẳng định ông Đỗ Anh Tuấn sẽ kháng cáo, luật sư Đinh Hương, với tư cách là luật sư đại diện cho bị đơn dân sự là Công ty Thiên Sơn, cho biết Công ty Thiên Sơn cũng sẽ kháng cáo vì TAND TP Hòa Bình tuyên Công ty phải bồi thường nhưng “không căn cứ theo nguyên tắc pháp luật nào” và cũng “không xác định được quan hệ pháp luật để áp dụng”.
“Công ty Thiên Sơn và Đỗ Anh Tuấn sẽ kháng cáo vào một ngày thích hợp, trong thời hạn. Chắc chắn con đường còn dài nhưng chúng tôi sẽ đi và khẳng định vững chắc rằng Đỗ Anh Tuấn không phạm tội”, luật sư Đinh Hương nói.
Tại phiên tòa, luật sư Đinh Hương cho biết Công ty Thiên Sơn đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân 370 triệu đồng. Đồng thời khẳng định khoản tiền này là Công ty Thiên Sơn hỗ trợ chứ không phải bồi thường.
Theo quy định, các bị cáo có thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngay sau khi kết thúc phần tuyên án, bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định “sẽ kháng cáo đến cùng”. Như vậy, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định ít nhất 02 bị cáo và 01 bị đơn dân sự sẽ nộp đơn kháng cáo.